Ẩm thực: 5 món ngon ở vùng biên An Giang
Thị
xã Tân Châu (An Giang) là điểm đầu nguồn của sông Tiền khi chảy vào
Việt Nam, có cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương. Ẩm thực nơi đây có
nhiều món đặc trưng, dân dã.
Bánh khọt ở
chợ Tân Châu là kiểu bánh khọt của người Khmer, bánh được làm từ bột
gạo pha loãng với nước cốt dừa và hành lá cắt nhỏ, không cho thêm bột
nghệ để có màu vàng như bánh khọt thường thấy ở Nam Bộ, bánh cũng không
ăn kèm với rau sống. Món bánh không có nhân, khi ăn chấm kèm với nước
mắm pha loãng cùng nước cốt dừa.
Bánh hẹ là
món bánh của người Hoa, bánh được làm từ bột gạo pha loãng, xong đem
trộn với hẹ lá cắt nhuyễn, thêm chút gia vị rồi đổ khuôn hấp chín. Người
bán thường cắt bánh thành từng miếng nhỏ hình thoi vừa ăn rồi chiên
vàng ruộm hai mặt, cho thêm trứng gà vào chiên vừa chín tới. Món bánh hẹ
mềm bên trong, giòn bên ngoài hòa quyện cùng cái béo của trứng gà ta
chấm cùng nước tương pha giấm.
Bánh bao chỉ có
hình dáng nhỏ nhắn, khác với loại bánh bao làm từ bột mì hấp nóng
thường thấy, món bánh được làm từ bột nếp có nhân đậu xanh, đậu phộng,
dừa hay mè đen. Vỏ bánh mỏng, mềm mịn trắng ngà, bên ngoài tẩm cơm dừa
nạo nhuyễn, khi ăn cảm nhận được mùi thơm của nếp và bùi của nhân bánh
ngọt dịu.
Xôi vị được
làm từ nếp non, nước cốt dừa, lá dứa, đường cùng mè, đậu phộng rang
vàng. Khác với các loại xôi khác, xôi vị chứa một loại gia vị độc đáo là
tai hồi, khi ăn xôi vẫn ngửi được mùi thơm thoang thoảng. Món xôi mềm
dẻo, béo của nước cốt dừa, thêm màu xanh mướt của lá dứa, vừa ăn vừa
nhâm nhi cùng trà nóng rất ngon.
Cháo lá dứa,
cháo đậu là món ăn thanh đạm của người miền Tây, được nấu từ gạo nguyên
hạt, thêm lá dứa để tạo màu xanh ngọc và mùi thơm dịu, cháo có thêm đậu
đen, đậu đỏ nấu mềm, thêm vị bùi cho món ăn. Tô cháo ngon không thể
thiếu nước cốt dừa đặc sệt pha chút đường, chút muối chan đều lên mặt
tô, có thể trộn đều hoặc để múc từng muỗng nhỏ vừa có cháo vừa có nước
cốt dừa ăn dần.