Ẩm thực: Đặc sản của đồng bào vùng cao huyện Minh Hóa
Huyện
vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc
thiểu số Chứt, Bru Vân Kiều. Nơi đây không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên
hoang sơ, tươi đẹp mà còn lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc,
phong phú của đồng bào vùng cao.
Cơm bồi của người Chứt
Cơm
bồi là món ăn đặc sản của người Nguồn (thuộc dân tộc Chứt) ở Minh Hóa.
Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là hạt ngô, hạt gạo và có thêm cả
củ sắn tươi. Ngô hạt được ngâm vào nước sôi khoảng 2 - 3 tiếng rồi vớt
ra để ráo, bỏ vào cối giã, dần lấy bột, thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi
ra, bỏ vào nghè hông (chõ đồ). Đổ nước vào nồi, lấy lá chuối khô vấn
quanh miệng, bỏ chõ đồ có bột ngô lên, bắc lên bếp đun lửa khoảng một
giờ đồng hồ là cơm bồi chín.
Ốc đực
Ốc
đực ở Minh Hóa rất nhiều và thường sống ở các khe suối có nước trong,
sạch. Ốc đực có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng món phổ
biến nhất là ốc luộc. Ốc đực luộc chín lên chấm với muối lá chanh, muối
ớt. Khi ăn thì khều bởi gai bưởi, vị ốc rất thơm ngon. Nước luộc ốc có
thể nấu canh rau khoai hay các món canh chua khác, ăn rất đậm đà, bắt
miệng trong mùa nắng nóng.
Rau dớn
Rau
dớn là loài dương xỉ mọc hoang dại ở trong rừng. Rau dớn thường mọc ở
khe suối, bên những tảng đá. Rau dớn vừa là một loại rau rừng sạch, được
nhiều người ưa thích; vừa là một loại thảo mộc dùng để chữa một số bệnh
phổ biến như cảm, ho, viêm họng... Rau dớn ăn vào lợi tiểu, chống táo
bón… Rau dớn được đồng bào hái về, rửa sạch để luộc, nấu canh hoặc xào
thịt, xào tỏi, làm nộm…
Cá mát nướng
Cá
mát nướng của người Khùa là món ngon đến từ khe suối của vùng đất Minh
Hóa. Cá mát thường sống thành bầy đàn trong các khe suối, nhất là những
vực nước sạch. Cá mát vừa lành, vừa bổ, thịt lại thơm ngon, ít xương.