CHUÔNG GIÓ XỨ PHÙ TANG
Chuông gió trong tiếng Nhật còn được gọi là Furin- Phong Linh, “Fu” là gió và “rin” mang nghĩa là chuông. Chuông gió có dạng hình tròn gắn kèm một vật nặng treo vào ngay giữa lồng chuông giúp chuông tạo ra âm thanh khi có gió làm nó chuyển động. Phía dưới chuông thường sẽ được treo một tờ giấy nhỏ để viết những điều ước tốt lành vào đó, khi tiếng chuông vang lên sẽ đồng nghĩa điều ước đã được các vị thần linh chứng giám.
Thông thường ở Nhật, chuông gió sẽ được treo ở bên trong nhà, gần cửa sổ hoặc dưới mái hiên. Những vị trí đó sẽ giúp chuông đón được gió và góp phần làm tiếng chuông trong hơn, rộn ràng hơn và cả vui tươi hơn nữa. Chuông gió Furin còn được coi là biểu tượng tượng trưng cho mùa hè của Nhật Bản, mỗi tiếng chuông reo lên như báo hiệu một cơn gió mát đã ghé qua, xua bớt khí trời hanh nóng.
Theo các kết quả nghiên cứu, bản chất chuông gió được bắt nguồn từ Ấn Độ và được người dân nơi đây sử dụng phổ biến tại các chùa chiền vào thế kỉ thứ 6. Và cho đến tận thế kỉ 12 thì chuông gió mới bắt đầu được du nhập vào Nhật Bản do chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Chiếc chuông gió đầu tiên được sản xuất thời Edo. Tại thời điểm này, điểm bán nhiều chuông gió Furin nhất phải nhắc đến chính là trước cổng đền Kawasaki-Daishi, nơi tổ chức lễ hội chuông gió thường niên vào tuần thứ 3 của tháng 7.