VƯƠNG QUỐC CHIM CÁNH CỤT Ở NAM CỰC
Nhắc đến lục địa Nam Cực hoang dã, mặc dù chưa từng đặt chân đến đây nhưng hầu như trong nhận thức của tất cả mọi người đều hình dung về cái lạnh lẽo bất tận và tuyết phủ trắng xóa quanh năm. Một nơi có thời tiết cực kỳ khắc nghiệt như vậy bất ngờ thay lại là vương quốc của các loài chim cánh cụt.
Sở dĩ loài chim cánh cụt có thể tồn tại được trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Nam Cực bởi chúng có cấu tạo cơ thể đặc biệt giúp thích nghi với khí hậu lạnh.
Dưới lớp da chim cánh cụt là một lớp mỡ khá dày bao bọc, đây là điều quan trọng nhất giúp nó chịu lạnh. Bên cạnh đó, chúng có một lớp lông rất mịn, chống thấm nước tốt. Nhờ vậy chim cánh cụt có thể lặn xuống nước mà nước không ngấm vào da được. Hơn nữa, lớp lông mịn này là tồn tại một lớp không khí mỏng giữa da và lông có tác dụng chống lạnh rất tốt, nhất là khi chúng lặn xuống biển kiếm thức ăn. Chế độ ăn uống của chúng bao gồm loài nhuyễn thể, động vật giáp xác, cá nhỏ, mực,…
Hình dạng thường thấy ở loài chim cánh cụt là phần trắng ở bụng và phần sẫm bao phủ đằng sau lưng. Chúng sử dụng đôi cánh ngắn để làm chân chèo khi lặn ngụp dưới nước. Chân dùng để di chuyển trên mặt đất với dáng vẻ khá lạch bạch và đặc biệt loài cánh cụt biết tận dụng tấm bụng phía trước để trườn trên tuyết mỗi khi muốn đi với tốc độ nhanh hơn.
Tùy thuộc vào mỗi loài cánh cụt khác nhau, tuổi thọ của loài chim này vào khoảng từ 15 - 20 năm. Trong đó, chúng dành tới 75% cuộc đời của mình sống ở môi trường nước biển.