KHU VỰC PHI QUÂN SỰ - BÀN MÔN ĐIẾM
Cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) gần 50 km về phía bắc, khu Phi Quân Sự Bàn Môn Điếm (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được thành lập vào năm 1953 nhờ Hiệp định Đình chiến Chiến tranh Triều Tiên. Sau hiệp định đình chiến, cả Hàn Quốc và Triều Tiên cùng lùi ra 2km, tạo thành một vùng trống rộng 4km và dài 256km. Đây được coi là vùng phi quân sự lớn nhất thế giới. Như một vết sẹo chia cắt bán đảo này ra làm 2 miền, DMZ không chỉ là một địa điểm tổ chức các cuộc họp chính trị chiến lược mà còn là một nơi thu hút khách du lịch.
Những người lính canh gác của Hàn Quốc và Triều Tiên đứng đối diện nhau ở Khu vực An Ninh Chung (JSA), một dải đất nhỏ trong ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Làng đình chiến Bàn Môn Điếm là một địa điểm chứa đựng những căng thẳng, đồng thời là biểu tượng cho thời kỳ lịch sử chia cắt hai miền Triều Tiên đầy bi thảm.
Khu Bảo An Hỗn Hợp Liên Triều (JSA) được biết nhiều hơn với cái tên Bàn Môn Điếm, là một phần của vùng Phi Quân Sự (DMZ) chia cắt bán đảo Triều Tiên từ năm 1953. Theo thỏa thuận vào thời điểm đó, hai miền Triều Tiên xây dựng 2 ngôi làng dân sự trong vùng DMZ như biểu tượng của hòa bình. Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều duy trì các ngôi làng hòa bình trong tầm nhìn của DMZ. Cả hai đều nằm cách JSA gần 2km, ngôi làng bên phía CHDCND Triều tiên mang tên Kijongdong, làng phía Hàn Quốc mang tên Teasungdong. Bình Nhưỡng khẳng định trong làng Kijongdong có một hợp tác xã với 200 gia đình cùng đầy đủ các tiện ích như trường học và bệnh viện, nhưng theo phía Seoul thì Kijongdong là "làng ma không có người ở".