Một sáng tạo văn hóa Champa
Ở khu vực miền Trung Việt Nam, từ khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 15 đã từng tồn tại một vương quốc có tên gọi là Chămpa, theo như ghi trên văn bia, còn gọi là Chiêm Thành, theo cách ghi trong sử Việt và sử Tàu. Một nghìn năm văn hóa Chămpa đã có những phát triển rực rỡ và còn lưu lại những dấu ấn cho đến ngày nay.
Căn cứ vào các di tích đền tháp và văn bia chúng ta biết được văn hóa Chămpa đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ. Các vị thần của Ấn Độ giáo được sùng bái; đặc biệt thần Siva đã được tôn vinh là vị thần bảo hộ của xứ sở; nhiều đền tháp đã được dựng lên để dâng tặng cho thần Siva cùng các hóa thân và hậu duệ của thần. Đây là nét tương đồng của văn hóa Chămpa với văn hóa các nước Đông Nam Á trong cùng thời kỳ, vốn cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.
Tôn vinh hình tượng vú phụ nữ
Tuy nhiên một điều độc đáo là bên cạnh việc tôn thờ thần Siva và các vị thần Ấn Độ giáo, các vị vua Chămpa còn dành niềm sùng kính đối với một vị thần hoàn toàn bản địa, thần Uroja. Trong khi tên gọi các vị thần ghi trên văn bia Chămpa như Siva, Vishnu, Brahma, Laskmi, Uma, Ganesa… đều có thể tìm thấy trong các kinh sách Ấn Độ giáo, riêng thần Uroja thì không tìm thấy ở đâu trong hệ thống thần linh Ấn Độ. Uroja trong tiếng Sankrit có nghĩa là “vú phụ nữ”(1). Đây là một hình ảnh chất phác, gần gũi được vua chúa và cư dân Chămpa nâng lên tầm tín ngưỡng, sánh ngang bằng với các vị thần tối cao trong hệ thống thần thoại Ấn Độ.
Bước phát triển trong tư duy biểu tượng
Ngày nay, đến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, du khách bắt gặp khá nhiều những tượng nữ thần Uma, Laskmi, Tara (ảnh 1) được thể hiện với bầu ngực căng tròn và đặc biệt không khỏi sững sờ trước hình ảnh những chiếc vú đã được thể hiện một cách thanh tú ở vị trí các đài thờ trang trọng hoặc ở vị trí thay thế cho biểu tượng nữ tính yoni đặt dưới linga hoặc tượng thần.