NƠI ĐỨC PHẬT GIÁC NGỘ CHÂN LÝ GIẢI THOÁT – BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG
Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) đã tọa thiền nhập định bên gốc cây cổ thụ, tương truyền sau 49 ngày đêm giác ngộ được chân lý giải thoát và trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ đó, cây này được gọi tên là Bồ Đề, vì "bồ đề" có ý nghĩa là "giác ngộ".
Chứng tích cho sự xuất hiện của Phật pháp được gọi là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Nơi đây có một ngôi tháp cao hơn 50m gọi là Mahabodhi (Đại Tháp Giác Ngộ). Bên cạnh tháp Mahabodhi là cây bồ đề sinh trưởng từ một cành chiết có nguồn gốc từ chính cây bồ đề mà thời tại thế Đức Phật tọa thiền chứng pháp.Trải qua bề dày lịch sử hơn 25 thế kỷ, cây bồ đề từng bị đốn hạ, rồi trồng lại nhiều lần. Ngày nay, hậu duệ của nó vẫn phát triển mạnh mẽ
Tương truyền sau khi Phật nhập niết bàn, một nữ phật tử đã lấy một nhánh cây bồ đề được chiết từ cây gốc mà Đức Phật đã ngồi thiền định đem đến Sri Lanka và phát triển thành một cây to lớn.
Cho đến nay, cây bồ đề này vẫn còn tồn tại ở Sri Lanka và được đánh giá là cây bồ đề nổi tiếng lâu đời nhất. Vào cuối thế kỷ 19, những người Anh đã mang một cành chiết của cây này trở về lại Bodh Gaya và trồng ở chính nơi cây gốc đã từng mọc.