HUYỀN THOẠI SÔNG HẰNG
Sông Hằng là con sông quan trọng nhất của tiểu lục địa Ấn Độ. Sông Hằng dài 2.510km bắt nguồn bắt nguồn từ đỉnh Gangotri trên dãy Himalaya hùng vĩ của Bắc Trung Bộ Ấn Độ băng qua vùng đồng bằng, chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh vào vịnh Bengal. Sông Hằng được xem là dòng sông linh thiêng nhất và cũng là nơi lưu giữ trái tim của Ấn Độ.
Từ thượng nguồn sông Hằng là một dòng chảy xuyên suốt qua các thành phố, trung tâm công nghiệp, là nơi cung cấp nước chính cho hơn 400 triệu dân, và “được hàng tỷ tín đồ tôn thờ”. Có thể thấy Sông Hằng là một phần không thể tách rời của văn hóa Hindu cũng như cuộc đời mỗi tín đồ Ấn Độ giáo sùng đạo.
Vì sao có nhiều dòng sông như vậy mà hàng ngày người dân Ấn Độ lại chọn Sông Hằng ngâm mình và tắm gội cho các tượng thần trong dòng "nước thánh"? Vì sao nhiều thế hệ người Ấn sinh sống, họ uống nước và thực hiện mọi nghi lễ quanh con sông thiêng? Có nhiều giả thiết về vấn đề này, nhưng quan trọng với các tín đồ Hindu giáo là niềm tin: "nước thiêng sẽ rửa trôi mọi tội lỗi".
Sông Hằng cũng được nhắc đến nhiều lần trong các huyền thoại và truyền thuyết cổ xưa của Ấn Độ qua mối liên hệ với nhiều vị thần khác như Shiva và Vishnu. Trong văn hóa tâm linh Ấn Độ, Nữ thần sông Hằng thường được khắc hoạ trong hình dáng một người phụ nữ cưỡi cá sấu Makara – một biểu tượng vô cùng thiêng liêng của dân tộc Ấn, đại diện cho sự nguy hiểm của chết chóc và sự sung túc của cuộc sống.