Bản tin Văn hóa Bốn phương
Thứ hai, 19/05/2025.
Bản tin ngày 13/11/2022
GIA DỤC QUAN - “THIÊN HẠ HÙNG QUAN” ĐIỂM CỰC TÂY CỦA VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
Cửa ải Gia Dục Quan này được xây dựng vào đầu thời nhà Minh, khoảng năm 1372. Pháo đài ở đây được củng cố rất nhiều do sợ hãi trước một cuộc tấn công của hoàng đế Thiếp Mộc Nhi (Timur Lenk), người sáng lập triều đại Timurid ở Trung Á, song vị hoàng đế này đã chết vì tuổi già trong khi đang dẫn một đội quân hướng đến Trung Quốc.
Do được xây dựng trên sa mạc Gobi và là cực Tây của lãnh thổ Trung Quốc khi xưa nên ngoài tác dụng phòng thủ, cửa ải này còn là một trạm dừng quan trọng của Con đường Tơ lụa huyền thoại kết nối Trung Quốc với các nước Tây và Trung Á.
Gia Dục Quan có cấu trúc hình thang với chu vi 733 m và diện tích trên 33.500 m². Tổng chiều dài tường thành là 733 m và chiều cao tường thành là 11 m.
Cửa ải Gia Dục Quan có hai cổng: một ở phía Đông và một ở phía Tây. Mặt phía Nam và Bắc của cửa ải kết nối với Vạn Lý Trường Thành. Cứ tại mỗi góc của cửa ải sẽ có một tháp canh. Gia Dục Quan bao gồm ba tuyến phòng thủ: thành nội, thành ngoại và các hào nước.
Có một truyền thuyết rất nổi tiếng đã kể lại chi tiết kế hoạch xây dựng Gia Dục Quan. Theo đó, khi Gia Dục Quan được lên kế hoạch, quan phụ trách đã yêu cầu Dịch Khai Chiêm - một nhà toán học lỗi lạc thời Minh đảm trách nhiệm vụ thiết kế cửa ải, ước lượng chính xác số gạch cần thiết. Dịch Khai Chiêm đưa ra con số là 99.999 viên gạch, tuy nhiên, vị quan nghi ngờ ước tính của ông và hỏi rằng số gạch như vậy có đủ không.  Chiều ý quan, Dịch Khai Chiêm đã thêm vào một viên gạch. Khi Gia Dục Quan hoàn thành, chính xác còn một viên gạch sót lại, viên gạch thừa này được đặt trên một cổng thành và hiện vẫn còn cho đến ngày nay.

TIN KHÁC

Bản tin ngày 12/11/2022
Bản tin ngày 11/11/2022
Bản tin ngày 10/11/2022
Bản tin ngày 09/11/2022
Bản tin ngày 08/11/2022