CUNG GYEONGBOK – NƠI LƯU GIỮ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG HÀN QUỐC
Cung Gyeongbok (phiên âm Hán Việt gọi là Cảnh Phúc Cung) là cung điện chính và lớn nhất trong 5 cung điện thuộc quần thể kiến trúc hoàng cung ở Seoul. Cung điện này được xây dựng vào năm 1395 bởi vua Taejo (Triều Tiên Thái Tổ) người sáng lập triều đại Joseon.
Trong hơn 600 năm tồn tại, cung điện đã bị phá hủy nhiều lần do những biến cố về chính trị và chiến tranh, tuy nhiên ngày nay cung điện Gyeongbok đã dần được phục hồi lại gần như nguyên trạng.
Theo đó, Gyeongbokgung mang ý nghĩa là “cung điện hạnh phúc tỏa sáng”. Kể từ khi được xây dựng cung điện này vẫn luôn là nơi ngự trị tối cao của các vị vua Hàn Quốc. Ngày nay cung Gyeongbok đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, là địa điểm tham quan lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc.
Dựa trên quan niệm xây dựng truyền thống, cung Gyeongbok nằm ở vị thế dựa núi nhìn sông tạo vẻ vững chãi hài hòa, bao gồm 11 tòa nhà ở các vị trí khác nhau. Cung Gyeongbok có bố cục đối xứng, trang trí tỉ mỉ, tạo nên vẻ uy nghi và rực rỡ. Tổng thể tạo nên một hình chữ nhật, đối xứng chạy dọc trục chính Nam – Bắc, bao quanh bởi các bức tường cao lợp ngói kiên cố, với mỗi mặt tường là một cổng lớn uy nghi. Tất cả tạo nên một quy mô rộng lớn, thể hiện khí thế uy nghiêm của hoàng quyền.
Cổng chính Gwanghwamun ở phía Nam được thiết kế độc đáo với 3 cửa, hai tầng lớp mái và có treo một quả chuông to báo hiệu thời gian. Cửa chính giữa cao nhất là lối đi dành cho vua và các cửa còn lại là lối đi dành cho các quần thần.
Ở phía Tây Gyeongbok là điện Gyeonghoeru được xây dựng với 48 cột đá nhìn ra một hồ nước nhân tạo có hai hòn giả sơn. Có thể nói đây là nơi phong cảnh hữu tình để vua thưởng cảnh hay tổ chức các bữa tiệc trong cung. Còn ở phía Tây là cung Donggun - nơi ở của các Thái tử.