Bản tin Văn hóa Bốn phương
Thứ tư, 23/07/2025.
Bản tin ngày 11/08/2019
Phong tục hôn nhân của người Khmer Nam Bộ

Đối với mỗi dân tộc, phong tục hôn nhân có những điểm khác nhau. Những nghi thức hôn nhân được hình thành trong quá khứ, theo thời gian cũng có sự thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Phong tục hôn nhân của bà con Khmer Nam Bộ cũng vậy. 
Với đồng bào Khmer Nam Bộ, nam nữ đến tuổi trưởng thành thì được tự do tìm hiểu nhau để tiến đến hôn nhân. Nhìn chung, phong tục hôn nhân được chia thành 4 giai đoạn: giai đoạn trước “lễ nói”, lễ nói, lễ hỏi và lễ cưới. Trong đó, lễ cưới (Pithi Apea Pìea) là quan trọng nhất. Trước “lễ nói”, hai họ xem ngày tháng năm sinh của chú rể và cô dâu có hợp tuổi hay không. Nếu hợp, lúc bấy giờ sẽ tiến hành các bước tiếp theo. Như vậy, trên thực tế, việc cưới hỏi bắt đầu từ đám nói đến hỏi và cưới. Trong đám nói, bao giờ nhà trai cũng mời người mối đại diện thưa chuyện với nhà gái. Ngày trước, người làm mối đại diện phía nhà trai là một người phụ nữ đã có gia đình, đức hạnh, có cuộc sống hạnh phúc. Lễ hỏi chỉ diễn ra sau khi nhà trai đã chọn được ngày lành tháng tốt dự định cho hôn lễ. Với lễ cưới, trước kia bà con thường tổ chức ba ngày bên nhà gái.  Tới nay, các nghi thức trong hôn nhân của đồng bào Khmer Nam Bộ vẫn được cộng đồng gìn giữ, tôn trọng, tuy rằng đã giản lược để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Ví dụ như không còn việc nhà gái đòi hỏi sính lễ và thời gian tổ chức cuối rút ngắn, và có thể tổ chức ở cả hai nhà.
Vào đám cưới, một nghi thức rất đặc biệt của đồng bào Khmer Nam Bộ là việc “cắt bông cau”. Cha mẹ chú rể nhờ hai người thanh niên chưa vợ đi cắt bông cau (quan niệm của bà con là bông vàng, bông bạc), mang về để ở một nơi cùng chiếc đèn dầu nhỏ thắp nhang khẩn cầu cho đôi vợ chồng trăm năm được hạnh phúc. “Bông cau” gồm 3 bó: bó thứ nhất tạ ơn cha (21 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 21 miếng cau và trầu), bó thứ hai để tạ ơn mẹ (12 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 12 miếng cau và trầu), bó thứ ba để tạ ơn anh chị (6 sợi cau được buộc bằng chỉ trắng với 6 miếng cau và trầu).
Một đặc sắc nữa của hôn lễ đồng bào Khmer Nam Bộ là tục “quét chiếu”. Khi cô dâu và chú rể vào phòng thì có một người cao tuổi theo sau. Đó là người khỏe mạnh, đông con, nhiều cháu. Người này đem chiếc chiếu ra và hỏi: “Có ai chuộc chiếu không?”. Lúc đó chú rể bước ra nhận chiếu trải ra và mời cô dâu cùng vị chủ lễ ngồi, rồi để lên chiếu một vật có giá trị để tặng những người đã giúp đỡ trong việc tổ chức hôn nhân. Cũng có nơi lễ quét chiếu (trái chiếu) được thực hiện do hai người phụ nữ do phía nhà gái chọn.

TIN KHÁC

Bản tin ngày 10/08/2019
Bản tin ngày 09/08/2019
Bản tin ngày 08/08/2019
Bản tin ngày 07/08/2019
Bản tin ngày 06/08/2019