Cồng chiêng người Ê Đê
Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng là báu vật, thứ báu vật gắn chặt với lịch sử của cả một đời người. Tiếng chiêng như sợi dây tâm linh nối kết con người với các đấng siêu nhiên, giúp con người bày tỏ niềm mong ước của bản thân cũng như của cộng đồng với thần linh. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo bởi kỹ thuật diễn tấu mà còn là biểu tượng cho đời sống các tộc người; là nhân tố gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng.
Cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.
Nghệ nhân chỉnh chiêng hay người điều khiển giàn chiêng là nhạc công giỏi, có khả năng thẩm âm, biết phát hiện và chỉnh sửa thanh âm lạc điệu của từng chiêng để đạt được âm thanh chuẩn của cả giàn chiêng. Nghệ nhân chỉnh chiêng không chỉ chỉnh âm cho các chiếc chiêng sai âm, mà còn chỉnh âm cho các giàn chiêng mới. Nghệ nhân chỉnh chiêng được coi là báu vật dân gian sống, bao hàm tính truyền thống và tính khoa học, không chỉ đơn thuần là một kĩ thuật viên.
Tiếng chiêng Êđê có âm thanh chắc, khỏe, dồn dập, ngân và vang xa như khát vọng của chàng Đam San chinh phục Nữ thần Mặt Trời. Trong những nhạc cụ cổ truyền của người Êđê cũng như các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên, dàn chiêng được đồng bào xem trọng hơn cả bởi tiếng chiêng gắn bó với đời sống con người từ khi chào đời cho đến khi về với tự nhiên. Chiêng Êđê mang đậm tính tiết tấu mặc dù những yếu tố còn lại như giai điệu, hòa thanh... vẫn không bị lấn át.
Ngoài chiêng đồng được mua từ Lào, người Êđê sáng chế ra một loại chiêng riêng cho mình từ ống tre, ống nứa của núi rừng. Bộ chiêng tre (ching kram) trở thành nhạc cụ độc đáo trong đời sống văn hóa nghệ thuật của người Êđê. Bộ ching kram thường là 5, 7 hay 9 chiếc hợp lại tạo thành một dàn chiêng, có khi lên đến 20 chiếc. Mỗi dàn chiêng tre là một dàn hợp xướng âm thanh với các âm sắc, giai điệu của từng cá thể chiêng tương ứng. Để chế tác ra một bộ chiêng tre cũng cực kì phức tạp. Trước hết là đi tìm và chọn nguyên vật liệu, các cây tre được lựa chọn phải có kích cỡ các gióng vừa đủ để tạo ra âm thanh nhất định; sau đó phơi khô chừng 2 tháng, ống tre được cắt theo kích thước đường kính cũng như độ dài ngắn khác nhau, dao động từ 30 - 45 cm, đường kính từ 8 - 10 cm.