Giữ gìn bản sắc văn hóa của người Kháng ở Sơn La
Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có đồng bào dân tộc Kháng với nhiều nét văn hóa độc đáo từ ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực đến làn điệu dân ca, dân vũ..
Tại tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc Kháng hay còn có các tên gọi khác là Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đôn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Ái, Xá Bung, Quảng Lâm, cư trú chủ yếu ở các huyện Mường La, Thuận Châu và Quỳnh Nhai. Riêng ở huyện Quỳnh Nhai, cộng đồng dân tộc Kháng có gần 4.000 người, chiếm khoảng 10% dân số. Cộng đồng dân tộc Kháng thường sống thành bản dọc các dòng sông, khe suối, thung lũng hoặc các sườn đồi tại khu vực xã Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Khay, Cà Nàng, Mường Giôn.
Bà Lò Thị Phấu (80 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Kháng tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Người dân tộc Kháng có nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có các làn điệu múa hát cổ, trang phục truyền thống, ẩm thực trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là điệu múa tăng bu.
Không chỉ có các làn điệu múa hát cổ, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Kháng còn được thể hiện qua trang phục truyền thống, nhất là trang phục của người phụ nữ. Phụ nữ dân tộc Kháng mặc trang phục gần giống như váy áo cóm của người dân tộc Thái đen.
Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Kháng độc đáo là vậy, nhưng cùng với dòng chảy thời gian, một số giá trị truyền thống đang dần mai một. Năm 2018, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống này, huyện Quỳnh Nhai đã thành lập Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Kháng tại xã Chiềng Ơn với 20 thành viên. Thời gian qua, các thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào truyền dạy tiếng Kháng, hướng dẫn cách may quần áo, cách nấu những món ăn truyền thống dân tộc Kháng cho con em.... Qua các hoạt động đó, những thanh thiếu niên dân tộc Kháng hiểu và tự hào hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cũng như góp phần chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của ông cha để lại.