Văn hóa cà phê ở Bắc Triều Tiên
Ngày 1/10, ngày cà phê quốc tế, được thành lập bởi Tổ chức cà phê Quốc tế với mục đích quảng bá cà phê trên toàn thế giới, cũng như chia sẻ nhiều câu chuyện khác nhau về loại đồ uống phổ biến nhất trên thế giới này. Liệu người dân Bắc Triều Tiên có thưởng thức cà phê hay không và ý nghĩa của thức uống này đối với họ như thế nào? Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về văn hoá cà phê ở miền Bắc, qua phần phân tích của giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Trước đây, người dân Bắc Triều Tiên khó tiếp cận với cà phê vì nó được cho là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản. Mọi người thích uống đồ uống truyền thống tốt cho sức khỏe. Các dòng trà mà giáo sư Chung Eun-chan đã đề cập phổ biến đến mức mỗi loại được chuyên sản xuất trong một nhà máy hoặc công ty nhất định. Tuy nhiên ngày nay, ngày càng nhiều cư dân miền Bắc muốn được uống một ngụm cà phê. Văn hoá cà phê bắt đầu thâm nhập vào quốc gia này sau sự sụp đổ của khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Khu công nghiệp liên Triều Gaesung được thành lập.
Vào những năm 1990, văn hóa thưởng thức cà phê đã bắt đầu len lỏi ở một số nhóm đặc quyền tại Bắc Triều Tiên, bao gồm cả vị cố lãnh tụ Kim Jong-il, các quan chức cấp cao, cán bộ ngoại giao và những người được biệt phái ra nước ngoài. Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc Kim Yong-nam lúc bấy giờ cũng thường thưởng thức sữa, bơ, bánh mì và cà phê cho bữa sáng. Cà phê từng được coi là một mặt hàng xa xỉ mà chỉ giới thượng lưu mới có thể mua được, nhưng nó đã trở nên phổ biến hơn sau khi Khu công nghiệp Gaesung đi vào hoạt động. Bột cà phê hòa tan với đường và kem, được cung cấp bởi các công ty Hàn Quốc cho công nhân Bắc Triều Tiên tại khu công nghiệp, đã trở nên vô cùng phổ biến với công dân miền Bắc.