Dân tộc Nùng ở Việt Nam
Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc.
Dân tộc Nùng cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau và phân theo các hệ nhánh như: Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín. Đồng bào Nùng thường sống thành từng bản, mỗi bản thường có từ 30-70 nóc nhà.
Đồng bào Nùng lấy việc trồng lúa làm nguồn sống chính. Hình thức kinh tế tự nhiên hái lượm vẫn còn đậm nét trong cộng đồng dân tộc Nùng. Phụ nữ vào rừng, lên rẫy thường đeo bên mình cái giỏ nhỏ để thu hái các loại rau rừng, nấm, mộc nhĩ...góp phần làm phong phú cho bữa ăn hàng ngày. Anh Nguyễn Văn Thế, hướng dẫn viên tại Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, cho biết: “Người Nùng cũng rất thành thạo trong việc khai khẩn đất đai làm nương rẫy, làm ruộng bậc thang, khai thác đất đồng bằng trồng lúa nước. Cộng đồng dân tộc Nùng có nhiều lễ hội, phong tục tập quán văn hoá độc đáo, trong đó lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau là hội ''Lùng tùng'' (còn có nghĩa là hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm. Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Chợ ở vùng người Nùng rất phát triển. Người Nùng đi chợ phiên không chỉ để trao đổi mua bán các sản phẩm, mà còn là dịp gặp gỡ, giao lưu. Thanh niên, nhất là nhóm Nùng Phàn Shình thích đi chơi chợ, hát giao duyên.
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Nùng không những đông về số lượng mà trình độ phát triển khá nhanh, đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam.