Văn hóa của cư dân miền Đông Nam Bộ - tiếp cận sinh thái văn hóa
Về lịch sử tộc người, theo các nhà khảo cổ học, miền Đông xưa kia là địa bàn của cư dân thuộc Văn hóa Đồng Nai. Đó là một nền văn hóa cổ, đã có mặt ở Đông Nam Bộ từ 4.000 năm – 2.5000 trước và được được xác định như là bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa ở Nam bộ. Dù lịch sử định cư, di trú của các tộc người ở miền Đông Nam Bộ có khác nhau nhưng nguồn gốc xã hội của họ vẫn mang những điểm tương đồng, đó là những người nghèo cùng nhau khẩn hoang nhọc nhằn, đương đầu với thiên nhiên hoang dã, có chung nền văn hóa nông nghiệp, cùng một số phận lịch sử. Tuy có những đặc điểm tộc người riêng biệt, văn hóa, tôn giáo khác nhau nhưng do cộng cư lâu ngày trên một địa bàn chung, họ đã ít nhiều thích nghi, ảnh hưởng văn hóa của nhau và quá trình giao tiếp văn hóa ấy đã tạo nên những yếu tố văn hóa tương đối đồng nhất mặc dù mỗi dân tộc đều giữ bản sắc văn hóa của riêng mình. Về văn hóa vùng miền Đông Nam Bộ và sự thích nghi với môi trường sinh thái có thể sơ nét phân biệt hai khía cạnh, đó là sự thích nghi về khí cạnh văn hóa vật chất và sự thích nghi về văn hóa tinh thần, tất nhiên giữa hai lĩnh vực này đều có mối liên hệ hỗ tương, chặt chẽ với nhau.