LỄ HỘI CÚNG TRĂNG OK OM BOK CỦA TỘC NGƯỜI KHMER NAM BỘ
Người Khmer Nam Bộ là một tộc người lớn trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Với bề dày lịch sử sinh sống lâu đời trên mảnh đất Nam Bộ, họ đã hình thành và phát huy nhiều giá trị văn hóa phong phú và độc đáo cho đồng bào Khmer nói riêng và cho người Việt Nam nói chung.
Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Nam Bộ còn được biết đến với cái tên khác là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp”, được diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Đối với người Khmer, Mặt Trăng được xem như là một vị thần đã giúp đỡ họ trong việc điều chỉnh thời tiết, bảo vệ ruộng đồng, đem lại một mùa màng bội thu, mang đến sự ấm no, sung túc cho người dân sinh sống tại đây.
Từng món lễ vật trong đêm Cúng Trăng đều có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, bà con trong các phum, sóc Khmer phải chuẩn bị cả tháng trước khi diễn ra lễ hội. Bên cạnh các lễ vật, người dân còn cho dựng thêm một cổng bằng tre hoặc trúc và lá dừa, với hai cây trụ được kết dính phần ngọn tượng trưng cho vòng đai vũ trụ. Hai cây mía đứng hai bên trụ cổng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.
Ba cây nến đặt trên cây đà ngang nối liền hai cổng tượng trưng cho ba mùa trong năm: nắng, mát, mưa. Hai bên cổng người ta treo mỗi bên 12 lá trầu được cuộn tròn tượng trưng cho 12 con giáp và 12 tháng trong năm.
Giữa cổng treo 7 quả cau được chẻ vỏ thành hình dạng như con ong bầu, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Trên bàn đặt 30 lá trầu bên phải tượng trưng cho tháng đủ. Bên trái đặt 29 lá trầu tượng trưng cho tháng thiếu. Lễ vật chính chủ chốt không thể thiếu đó chính là cốm dẹp, ngoài ra còn có các nông sản khách như khoai môn, khoai lang, khoai mì, dừa, chuối cùng một số bánh kẹo khác.