NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI BANA
Kon Tum là vùng cao nguyên đất đỏ ba-zan, hùng vĩ với biết bao thắng cảnh tuyệt đẹp cùng với nền văn hóa lâu đời của các dân tộc anh em. Những đặc trưng hình thành nên nét văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây được thể hiện rõ ở nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Đối với dân tộc Ba Na, nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời. Sản phẩm thổ cẩm dệt bằng tay của người Ba Na nổi tiếng bởi những hoa văn trang trí rất tinh tế. Không chỉ đẹp về hình thức, mà trong mỗi sản phẩm dệt truyền thống còn ẩn chứa sắc thái văn hóa, thể hiện một tâm hồn phong phú, phóng khoáng.
Cô gái Y Lex, ở làng Kon Tum Kơ-pơng, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum bộc bạch: "Em phải cố gắng học lấy nghề dệt do mẹ truyền dạy để khi đi lấy chồng tự dệt quần áo trong đám cưới. Như thế em cảm thấy mình đẹp hơn và giữ được nét văn hóa của dân tộc mình". Còn em Y Khren, làng Kon H’ra Choi lấy chồng ở làng Kon Tum Kơ-pơng, cho biết: "Trước em không biết dệt, nhưng khi lấy chồng về làng này, mẹ chồng em bắt phải học và tự dệt những chiếc áo, chiếc váy cho mình để “diện” trong những ngày lễ hội". Vào dịp lễ hội truyền thống của dân làng, cô gái nào có bộ váy áo đẹp sặc sỡ thì được đánh giá là người chăm chỉ, giỏi giang; nếu là con gái chưa chồng thì được trai làng để ý. Chính vì vậy, con gái đồng bào Ba Na đã tập làm quen với khung cửi từ khi còn bé. Các em được các mẹ, các bà dạy cách dệt vải để trước khi về nhà chồng, họ phải tự dệt cho mình những bộ trang phục thật đẹp. Thế nên, hầu như mọi phụ nữ Ba Na đều biết dệt thổ cẩm. Phụ nữ Ba Na nổi tiếng bởi kỹ thuật dệt tinh tế, làm ra những bộ trang phục, những tấm chăn, tấm thảm mang nét đặc trưng. Việc tạo mầu cho sợi vải hoàn toàn dựa vào các loại cây trên rừng. Cây chàm giã nát ngâm nước ba ngày đêm rồi cho vào một ít vôi bột, đưa búp vải vào khuấy đều, sau một đêm vớt ra sẽ có những sợi vải mầu đen (vì làm công việc này mà phụ nữ Ba Na ngày trước từ khuỷu tay trở xuống đều bị thâm đen). Muốn có chỉ mầu vàng thì nhuộm bằng củ Ktrơn, muốn có mầu đỏ thì dùng vỏ cây Kxan.
Trải qua năm tháng, đồng bào Ba Na luôn có ý thức duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một. Trong xu thế phát triển kinh tế thị trường, các sản phẩm dệt thủ công nói chung bị cạnh tranh khốc liệt. Số người biết dệt vải, dệt thổ cẩm hiện nay đã cao tuổi, nếu không nhanh chóng tìm được thế hệ kế tục thì rất có thể nghề truyền thống độc đáo này sẽ không còn.