Chuỗi hạt trang sức lâu đời nhất thế giới 150.000 năm tuổi
Chuỗi hạt bằng vỏ sò 150.000 năm tuổi được cho là món đồ trang sức lâu đời nhất trên thế giới.
Các nhà khảo cổ phát hiện bộ trang sức cổ nhất mà con người biết đến bên trong hang Bizmoune, cách thành phố biển Essaouira khoảng 10 km, ở tây nam Maroc.
Bằng cách sử dụng máy khai quật, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra 33 hạt vỏ sò có niên đại từ 142.000 đến 150.000 năm tuổi.
Họ đã nỗ lực làm việc để tìm ra nhiều hạt vòng trang sức bằng vỏ sỏ trong suốt thời gian từ năm 2014 đến năm 2018. Đồng thời, nhóm nghiên cứu tiến hành nhiều phân tích khoa học sâu rộng để đảm bảo chính xác cách tính niên đại.
El Mehdi Sehasseh, Viện Di sản và Khoa học Khảo cổ Quốc gia ở Rabat, người đứng đầu nghiên cứu cho biết nhóm của ông đã sử dụng phương pháp xác định niên đại uranium giúp tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc và thời gian tồn tại của các hạt.
Theo các chuyên gia, kiểu vòng hạt này có mối liên hệ chặt chẽ nhất với văn hóa Aterian, thời kỳ đồ đá giữa ở Bắc Phi. Những người định cư cổ đại này là những người đầu tiên sử dụng thứ mà ngày nay con người gọi là đồ trang sức.
Steven L. Kuhn, giáo sư tại Đại học Khoa học xã hội và hành vi, Đại học Arizona, phụ trách nhóm các nhà cổ sinh vật học cho biết món đồ trang sức không chỉ được dùng để tô điểm cho sắc đẹp mà còn mang ý nghĩa nhất định.
Theo Steven L. Kuhn, các hạt vỏ sò là bằng chứng sớm nhất về một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ phổ biến của con người.
Steven L. Kuhn nói: "Vòng trang sức là một phần trong cách người đeo thể hiện danh tính, bên cạnh quần áo họ mặc. Đây là bằng chứng cho thấy vòng trang sức đã có mặt từ hàng trăm nghìn năm trước và con người từ lâu đã quan tâm đến việc giao tiếp với những nhóm người lớn hơn, không chỉ là bạn bè và gia đình thân cận của họ".
Những hạt trong chuỗi đều làm từ vỏ của hai loài ốc biển khác nhau, dài khoảng 1 cm. Ở giữa có một lỗ nhỏ để dây xuyên qua hoặc đính vào quần áo. Chúng có thể dùng để đeo như hoa tai hoặc vòng cổ. Nhiều hạt có các cạnh được mài nhẵn, đánh bóng, cho thấy có lên quan đến công việc của một người thợ thủ công lành nghề.
Theo Steven L. Kuhn, chuỗi hạt đã giúp những người du mục, người bản địa khác trong khụ vực thể hiện sắc tộc của họ, tận dụng nguồn tài nguyên hạn chế khi khí hậu khô và lạnh.
Theo Hoàng Dung/VietNamNet