Những đám mây hình sóng hiếm gặp xuất hiện trên bầu trời châu Âu
Một cư dân ở Nam Bohemia, Cộng hoà Séc mới đây chụp được hình ảnh đám mây hình con sóng trôi lơ lửng trên bầu trời gần nhà.
Thiên nhiên luôn ẩn chứa vô vàn những điều kỳ diệu. Một đám mây có hình dáng đặc biệt, cho dù nó báo hiệu thời tiết xấu hay tốt thì đó vẫn luôn là khoảnh khắc hiếm có. Và chắc chắn bạn phải là người may mắn mới có cơ hội chứng kiến tận mắt.
Lukas Gallo, 35 tuổi, một thợ mộc và nhiếp ảnh gia, đã phát hiện ra những đám mây tạo thành hình sóng hiếm gặp trên bầu trời vùng Nam Bohemia, Cộng hòa Séc.
Nhiếp ảnh gia cho biết: "Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những đám mây có hình dạng kỳ lạ như vậy. Tôi nghĩ rằng sự kiện này thật tuyệt vời".
Tuy nhiên, liệu hiện tượng mây hình sóng trên bầu trời kia có nghĩa có phải là điềm báo thảm họa? Các chuyên gia giải thích rằng các dạng mây như vậy gọi là đám mây bất ổn định Kelvin-Helmholtz. Hiện tượng được đặt theo tên hai nhà khoa học người Đức nghiên cứu ra nó là Lord Kelvin và Hermann von Helmholtz.
Những đám mây này rất hiếm, xuất hiện khi khi hai lớp không khí khác nhau di chuyển với tốc độ khác nhau. Lớp không khí tầng trên di chuyển với tốc độ nhanh hơn so với ở tầng dưới.
Các đám mây hình sóng biển có nhiều khả năng xuất hiện nhất vào những ngày có gió lớn, thường là một dấu hiệu về nhiễu động.
Tuy nhiên, chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, mất hình dạng rất nhanh so với các loại mây khác. Cũng chính vì điều này khiến cho hiện tượng mây hình sóng trở thành cảnh tượng hiếm gặp trong tự nhiên.
Sự bất ổn định Kelvin – Helmholtz là một hiện tượng khoa học không chỉ xảy ra trên Trái đất. Điểm đỏ của Sao Mộc là một ví dụ về sự không ổn định Kelvin – Helmholtz.
Danh hoạ Van Gogh từng miêu tả những đám mây cuồn cuộn hình sóng biển trong bức tranh nổi tiếng của ông có tên Đêm đầy sao 'The Starry Night'. Bức vẽ do ông thực hiện vào năm 1889, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York, Mỹ.
Theo Hoàng Dung/VietnamNet