Đóng cửa nơi mệnh danh là 'cánh cổng địa ngục' trên Trái Đất
Cổng địa ngục rực cháy suốt gần nửa thế kỷ đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khách du lịch và những người ưa mạo hiểm, nhưng nó sẽ đóng cửa trong thời gian tới.
Nơi mệnh danh là cánh cổng địa ngục trên Trái Đất thực chất là một miệng núi lửa Darvaza rộng ngang sân bóng đá, sâu 20 mét, có tổng diện tích 5.350 m2 đã rực cháy suốt gần nửa thế kỷ qua.
Câu chuyện bắt đầy từ trung tâm sa mạc Karakum của Turkmenistan, là một phần của Liên bang Xô viết hồi năm 1971. Người Liên Xô khi đó theo đuổi tìm kiếm các mỏ dầu và phát hiện ra thứ mà họ cho là có nguồn dồi dào trên sa mạc.
Các chuyên gia đã lắp đặt một trạm nghiên cứu khai thác gồm có một mũi khoan lớn và nặng. Sau khi khoan, các kỹ sư nhanh chóng nhận ra rằng họ đã đánh giá sai bản chất của mỏ khí.
Thay vì khoan vào dầu, họ đã kích hoạt hoạt động bên trên một túi khí tự nhiên khổng lồ. Giàn khoan nhanh chóng sụp đổ, tạo ra một cái hố khổng lồ mà ngày nay được gọi là miệng núi lửa Darvaza.
Lo ngại khí metan trong miệng hố thoát ra sẽ hút hết lượng oxy trong không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng địa phương, các nhà khoa học đã quyết định đốt cháy nó.
Ban đầu các chuyên gia cho rằng chỉ cần mất vài tuần là sẽ xử lý xong, sau đó chất lượng không khí của sa mạc Karakum sẽ tiếp tục như bình thường. Nhưng dự đoán của họ là sai lầm. Cho đến nay, ngọn lửa vẫn tiếp tục cháy sáng kể từ lần đầu tiên cách đây nửa thế kỷ.
Nhiều năm qua, khu vực kỳ lạ ở Turkmenistan là điểm thu hút nhiều khách du lịch. Tính trong 5 năm gần đây nhất, khoảng 50.000 khách du lịch đã đến thăm địa điểm này.
Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Turkmenistan đã quyết định đưa ra lệnh đóng cửa địa điểm mệnh danh là 'cánh cổng địa ngục'.
Một trong những lý do dẫn tới việc đưa ra quyết định dập tắt đám cháy là do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân đại phương sống gần đó, lãng phí tài nguyên khí thiên nhiên, hủy hoại môi trường.
Chính phủ Turkmenistan ra chỉ thị tập hợp các nhà khoa học, và nếu cần sẽ mới thêm các chuyên gia tư vấn nước ngoài để tìm giải pháp dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Theo Hoàng Dung/VietNamNet