Anh xếp loại tôm hùm, bạch tuộc, cua cảm nhận được nỗi đau vào danh sách sinh vật có tri giác
Nghiên cứu mới của Anh ghi nhận bạch tuộc, cua và tôm hùm có thể cảm nhận được nỗi đau, được xếp vào danh sách sinh vật có tri giác của Anh.
Một nghiên cứu đánh giá do nhóm các nhà khoa học Anh thực hiện cho thấy bạch tuộc, cua và tôm hùm có thể cảm nhận được nỗi đau, do vậy, chúng được đưa vào danh sách những sinh vật có tri giác cần bảo vệ theo luật phúc lợi động vật mới.
Báo cáo do các chuyên gia tại Học viện Kinh tế và chính trị London LSE thực hiện dưới sự ủy thác của Chính phủ Anh bằng cách xem xét 300 nghiên cứu khoa học để đánh giá trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Kết quả cho thấy động vật chân đầu như bạch tuộc, mực và giáp xác mười chân như tôm, cua phải được đối xử như các sinh vật có tri giác. Báo cáo mới cho rằng tôm hùm và cua không nên bị đun sống, đồng thời đưa ra một số phương thức tốt nhất để vận chuyển và giết mổ.
Các chuyên gia đã sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau để đo lường tri giác của các loài động vật trên bao gồm khả năng học tập, số thụ thể cảm nhận cơn đau, kết nối giữa các thụ thể này và một số vùng não nhất định, phản ứng với thuốc gây mê hoặc thuốc giảm đau, cùng các hành vi thể hiện tri giác khác.
Bộ trưởng Phúc lợi Động vật Lord Zac Goldsmith cho biết: "Tôm hùm, bạch tuộc và cua có thể cảm thấy đau. Dự luật phúc lợi cho động vật có tri giác sẽ đảm bảo quyền của các loài động vật và nó sẽ được cân nhắc đầy đủ trong quá trình xây dựng luật. Khoa học đã chứng minh rằng động vật chân đầu và giáp xác mười chân có thể cảm thấy đau đớn, vì thế chúng cần phải được đưa vào trong dự luật này".
Nếu được thông qua, dự luật trên sẽ giúp thành lập Ủy ban Động vật có tri giác. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm báo cáo về các quyết định của chính phủ đã tính đến phúc lợi của động vật có tri giác như thế nào. Đây cũng là một phần trong Kế hoạch hành động vì phúc lợi cho động vật của Chính phủ Anh.
Nhóm nghiên cứu phát hiện bằng chứng cho thấy bộ bạch tuộc có tri giác rất mạnh và hầu hết các loài cua có tri giác mạnh. Trong khi đó, mực có nhưng không đáng kể.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng sự khác biệt giữa những bằng chứng trên có thể xuất phát từ độ quan tâm khác nhau của giới khoa học đối với từng loài.
Hiện nay, động vật có xương sống đã được đưa vào danh sách sinh vật có tri giác trong một dự luật quyền động vật đang được tranh luận ở Anh.
Theo Hoàng Dung/VietNamNet