Hài hước với đơn giao hàng nhanh cách xa hàng nghìn km và cái kết thú vị
Một tài xế giao hàng ở Mỹ vô cùng bất ngờ khi nhận được yêu cầu từ cách đó 1.190 km
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của dịch vụ giao đồ ăn, các ứng dụng giao đồ ăn đã đơn giản hóa toàn bộ quy trình đặt hàng chỉ với một vài cú nhấp chuột. Tuy nhiên, một yêu cầu từ khách hàng cách xa hàng ngàn cây số khiến tài xế giao hàng bối rối.
Kaelum Grant, đến từ bang Ohio, Mỹ, người giao hành của Doordash đã chia sẻ câu chuyện trong một ngày làm việc đặc biệt của mình trên mạng xã hội TikTok và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Kaelum Grant cho biết không biết rằng cách nào mà anh đã nhận được yêu cầu giao hàng DoorDash từ Rhode Island, nơi cách vị trí của anh khoảng 1.190 km.
Tính theo phần mềm, nếu Kaelum Grant đồng ý thực hiện chuyến giao hàng đường dài hơn 1.000 km này, anh ấy sẽ chỉ nhận được 9,25 USD.
Thay vì chỉ ấn nút từ chối đơn hàng, Kaelum Grant đã gửi tin nhắn thú vị cho khách hàng ở Rhode Island.
"Nếu bạn sống ở Rhode Island và bạn vừa đặt hàng DoorDash, bạn hãy tự làm một chiếc bánh sandwich vì chắc chắn bạn sẽ không nhận được đơn hàng vừa đặt, đồ ăn của bạn sẽ không đến trong tối nay đâu. Bạn hãy quên chuyện đó đi, không ai mang đồ ăn đến đó được đâu. Họ đang cố đưa tôi vào một cuộc phiêu lưu, xin lỗi nơi đó cách tôi 1.190 km mà tôi chỉ có thể nhận 9,25 USD. Trời ơi!", Kaelum nói.
Bài đăng đã lan truyền, thu hút hơn 4,5 triệu lượt xem và 1,3 triệu lượt thích. Cư dân mạng đặt câu hỏi về việc làm thế nào mà Kaelum nhận được đơn đặt hàng ở một nơi xa cách hàng nghìn cây số như vậy. Tất nhiên, không ai có câu trả lời chính xác.
Người phát ngôn của DoorDash cho biết: "Những gì được mô tả trong video của Kaelum Grant chắc chắn không phải là cố ý chơi xấu và chúng tôi đang tích cực kiểm tra vụ việc. Chúng tôi luôn tìm cách cung cấp thông tin chính xác cho tài xế trong mỗi lần giao hàng, mọi thứ đều rõ ràng về thu nhập và quãng đường đi ước tính trước khi tài xế chấp nhận đơn đặt hàng. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại".
Theo Hoàng Dung/VietNamNet