Hộp sọ quái vật biển hé lộ động vật ăn thịt đáng sợ từng sống trên Trái Đất
Các nhà khoa học phát hiện ra hộp sọ của một loài động vật ăn thịt biển khổng lồ, vô cùng đáng sợ, nghi ngờ là tổ tiên cổ xưa của cá voi ngày nay.
Rodolfo Salas, trưởng bộ môn cổ sinh vật học tại Đại học Quốc gia Peru, thành viên nhóm nghiên cứu khai quật được hộp sọ còn nguyên vẹn khoảng 36 triệu năm tuổi.
Hộp sọ khổng lồ dài khoảng 1,35 mét, được bảo tồn nguyên vẹn với hàm răng sắc nhọn đáng sợ. Các nhà khoa học cho rằng đây là loài động vật có vú, có thể là cá, có hậu duệ hiện đại là cá voi, cá heo.
Con vật này phát hiện ở sa mạc Ocucaje phía nam Peru. Khung cảnh hoang vắng vùng sa mạc từng là vùng biển cạn cách đây hàng triệu năm, các đụn cát chứa một số lượng lớn các di tích động vật có vú nguyên thủy nổi bật.
Nó không phải là một loài bò sát nhưng cơ thể rất dài và có thể di chuyển như một con rắn khổng lồ. Các nhà khoa học đặt tên là 'động vật ăn thịt Ocucaje', đây là động vật săn mồi hàng đầu, chiều dài tối đa lên tới 12 mét, tương đương chiều cao của một toà nhà 4 tầng. Nó sử dụng hàm răng to khỏe để ăn cá ngừ, cá mập và các đàn cá mòi.
Rodolfo Salas cho biết: "Phát hiện này rất đặc biệt vì tình trạng bảo quản còn khá nguyên vẹn. Đây là một trong những kẻ săn mồi lớn nhất vào thời điểm đó. Biển Peru ấm áp, nhờ phát hiện hoá thạch này, chúng tôi có thể tái tạo lại lịch sử của biển Peru".
Các nhà nghiên cứu cho biết, sa mạc Ocucaje chứa rất nhiều hóa thạch cổ có giá trị, cung cấp bằng chứng tiến hóa cách đây 42 triệu năm.
Các hóa thạch khác được tìm thấy ở đó bao gồm cá voi lùn bốn chân, cá heo, cá mập và các loài khác từ kỷ Miocen (từ 23 triệu đến 5 triệu năm trước). Hiện tại, hoá thạch đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên.
Theo Hoang Dung/VietNamNet