Du lịch: Điểm danh những ngọn núi huyền tích tại Việt Nam
Đỉnh thiêng Yên Tử
Đỉnh thiêng Yên Tử - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn làm chốn tu hành và lập nên giáo phái Phật học đặc trưng của Việt Nam là Thiền Phái Trúc Lâm đã trở thành điểm đến quá đỗi quen thuộc của những tín đồ Phật giáo.
Về với Yên Tử là về với đất Phật trên non cao, với những ngôi chùa, tháp cổ kính rêu phong ẩn trong rừng trúc thâm u hay những gốc tùng cổ thụ. Hành trình thăm viếng Yên Tử bằng đường bộ dài tới 6000m, tương đương với 6h đi bộ liên tục, bắt đầu từ suối Giải Oan, đến chùa Hoa Yên ở độ cao 543 m, chùa Vân Tiêu ở độ cao 700m và cuối cùng là chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m.
Núi Bà Đen
Núi Bà Đen, xưa kia gọi là núi Một, là ngọn núi cao nhất phía Nam với độ cao 986m. Núi Bà Đen cũng nổi tiếng là một điểm đến tâm linh linh thiêng của vùng đất thánh Tây Ninh, với những điển tích và câu chuyện kỳ bí gắn liền với Bà Đen, người được vua Gia Long phong thánh hiệu "Linh Sơn Thánh Mẫu".
Theo truyền thuyết, khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Quân lính đói lả, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin giúp đỡ. Đêm đó, Bà Đen hiển linh trong mộng cảnh của chúa và chỉ cho loại trái cây trên núi có thể cứu đói binh sĩ. Đến năm 1790, chúa Nguyễn Ánh đã đưa binh lính quay lại núi đúc tượng, cất điện thờ.
'Nóc nhà Đông Dương' Fansipan
Với độ cao 3143m so với mặt nước biển, Fansipan không chỉ là ngọn núi cao nhất Việt Nam, mà còn là 'nóc nhà' của cả ba nước Đông Dương.
Năm 2018, cùng với hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới, tập đoàn Sun Group đã kiến tạo trên đỉnh Fansipan một quần thể tâm linh bao gồm 12 công trình, mang hồn cốt của những ngôi chùa Việt cổ Bắc Bộ thế kỷ XV-XVI. Trong đó, công trình đặc biệt nhất phải kể đến Đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5m, được tạo tác từ hàng chục ngàn tấm đồng mỏng, ốp bằng kỹ thuật đặc biệt trên một khung thép có thể tích 1000m3, hiện đang giữ kỷ lục "Tượng Phật A Di Đà bằng đồng ở độ cao cao nhất Châu Á".