Địa điểm đẹp: Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số
Quảng
Bình là địa phương ở khu vực miền Trung giàu tài nguyên du lịch. Ngoài
bờ biển dài và những thắng cảnh nổi tiếng, thì phía Tây của tỉnh còn có
cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nằm dưới tán rừng Trường Sơn và dọc theo
hệ thống Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Hiện,
trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà địa phương đang khai thác, có nhiều
sản phẩm du lịch văn hóa ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi bước đầu
tạo được sức hút với khách du lịch.
Trong
đó, thung lũng bản Còi cách không xa trung tâm xã Ngân Thủy, huyện Lệ
Thủy nhưng nhiều năm trước chỉ là đồng cỏ bỏ hoang. Thêm vào đó, dưới
chân dãy núi đá vôi phía Tây Bắc Lệ Thủy có hệ thống hang động đẹp song
cũng chưa mấy ai biết tới, ngoại trừ người dân bản địa. Cho tới khi tiềm
năng du lịch ấy được khảo sát, đánh giá một cách cụ thể, kỹ càng bằng
một đề án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào cảnh quan thiên nhiên và
người dân bản địa, thì vùng đất đẹp như tranh này mới được “đánh thức”.
Bây
giờ, thung lũng bản Còi và hệ thống hang Chà Lòi ở xã Ngân Thủy - nơi
từng in dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội trong những năm
chiến tranh đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở miền Tây Lệ Thủy.
Đến hang Chà Lòi, du khách được chiêm ngưỡng vô vàn măng đá và thạch nhũ
còn nguyên sơ tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ như khơi gợi sự liên tưởng
của mỗi người. Hang có dòng sông ngầm nước biếc xanh, mát lạnh và các
hồ nước nhỏ, là nơi sinh sống của một số loài tôm, cá có mầu trong suốt
rất đặc biệt.
Ngược
ra phía Bắc, lên tuyến đường 12A huyền thoại, du khách đến với bản Dộ -
Tà Vờng ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Lọt thỏm giữa thung lũng dưới
chân dãy Giăng Màn, bản Dộ - Tà Vờng đẹp như một bức tranh thủy mặc và
ẩn chứa những huyền tích văn hóa đậm chất sử thi của người Mày (dân tộc
Chứt).
Từ
trên cao nhìn xuống, những nếp nhà sàn xinh xắn hệt như những nốt nhạc
được viết lên “khuông nhạc” của núi rừng. Giữa mầu xanh thẫm của rừng
già, xanh non của lúa rẫy, sương mù lãng đãng. Tia nắng ngày mới chiếu
xuống, màn sương như tan ra thành sợi trong veo. “Mày” - theo tiếng của
tộc người này có nghĩa là đầu nguồn con nước. Bây giờ, các bản làng của
người Mày sinh sống, trong đó có Dộ - Tà Vờng vẫn là nơi cao nhất, nằm
đầu nguồn sông Gianh ở Quảng Bình.