Ẩm thực: Đặc sản thum thủm của người Thái nhưng vạn người mê
Có
lẽ bởi vì da trâu có đặc điểm dai, cứng và đanh nên chẳng ai nghĩ ra có
thể chế biến chúng thành món gì ngon lành, hấp dẫn được. Nhưng người
Sơn La lại chứng minh điều ngược lại với món đặc sản có 1 - 0 - 2 mang
tên nộm da trâu.
Nộm
da trâu là một món ăn quen thuộc và không thể thiếu trong mâm cơm
truyền thống của đồng bào người Thái. Bằng sự sáng tạo cùng với đôi tay
khéo léo, người phụ nữ nơi đây đã chế biến ra những đĩa nộm độc đáo,
thưởng thức một lần bạn sẽ nhớ mãi.
Công
đoạn để có một miếng da trâu chế biến thành món ăn rất lâu. Người nấu
bếp phải tỉ mỉ hơ da lên bếp lửa cho sạch phần lông dày cứng. Vỏ ngoài
cứng, đen của da được cạo sạch, chỉ để lại phần vàng trong. Tiếp đó, da
được luộc trong nước sôi cho sạch bẩn, hết lông và tạo độ mềm.
Món
ăn có vừa miệng hay không là nhờ công đoạn thái mỏng. Để thái được
miếng da trâu cần nhiều công, từ dao thái bén ngọt, thớt gỗ nghiến dày.
Miếng da to bản ban đầu dưới đôi tay khéo léo thái thành vát chéo, mỏng
và đều tay. Mỗi miếng da lại có độ mỏng vừa phải, trong như hổ phách,
giòn lật sật khi nhai, rất sướng miệng.
Gia
vị cho món nộm được người Thái dùng rất nhiều, tạo nên nét đặc trưng
không đâu có được. Ngoài những thứ thường thấy từ lạc, ớt, rau mùi,
gừng, không thể thiếu mắc khén tạo nên độ cay nồng.
Người
Thái không dùng dấm hay chanh tạo độ chua cho món nộm, thay vào đó là
nước măng chua. Thứ nước ngâm măng tưởng chừng chẳng tác dụng gì, lại
khiến da trâu mềm mượt hơn, nhưng vẫn giữ độ giòn lật sật, hòa quyện
cùng các gia vị khác giúp giải ngấy.
Một
đĩa nộm đúng vị Sơn La phải có sự góp mặt của đầy đủ các loại nguyên
liệu, gia vị địa phương. Đó chính là những quả trám rừng, hạt mắc khén,
mùi ta, mùi tàu, rau thơm, lạc rang.... Mỗi thứ một ít nhưng giao hòa ăn
ý tạo nên hương vị chẳng lẫn vào đâu của núi rừng Tây Bắc.