Văn hóa: Tiếp lửa, trao truyền văn hóa người Mạ
Được tận mắt nhìn thấy những loại nhạc cụ người Mạ, được đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng, lắng nghe tiếng kèn bầu, đàn tre, đàn môi, càng thấy cần phải giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa các DTTS ở Tây Nguyên. Và thầy trò Trường THCS và THPT Lộc Bắc, trong đó hầu hết học sinh là người dân tộc Mạ sinh ra và lớn lên ở địa phương, đã thực hiện một cuộc trải nghiệm thú vị với nghệ thuật truyền thống, được làm những người tiếp nhận ngọn lửa tình yêu văn hóa của một tộc người…
Qua tìm hiểu, các nhạc cụ dân tộc Mạ hiện nay còn lại không nhiều. Bên cạnh cồng chiêng thì chỉ còn đàn tre, kèn bầu và đàn môi. Đàn đá và kèn T’diếp nổi tiếng ngày xưa thì nay không còn được tìm thấy trong các vùng cư dân Mạ.
Trao đổi với già làng K’Quế ở thôn Hang Ka (xã Lộc Bảo) ông cho biết, hiện trong các gia đình người Mạ chủ yếu chỉ lưu giữ cồng chiêng, các loại nhạc cụ khác dường như không có hoặc rất ít ỏi. Khảo sát thực tế của chúng tôi cũng có kết quả như lời già làng nói. Quả thật, số người còn biết chế tác và sử dụng nhạc cụ cũng rất ít; việc truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng còn hạn chế. Nghệ nhân K’Trời nói: “Nhiều cháu trong nhà dường như không có hứng thú với việc học cách sử dụng nhạc cụ dân tộc. Bản thân chú muốn truyền dạy nhưng tụi trẻ lại không muốn học…”.
Nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ dân tộc bản địa, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, thầy trò Trường THCS và THPT Lộc Bắc đã bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu với tên gọi “Giải pháp bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc Mạ tại xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng”.
Cơ duyên ban đầu của những việc làm này của thầy trò Trường THCS và THPT Lộc Bắc là xuất phát từ mục đích nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Công trình đoạt giải nhì trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ 14, năm học 2021-2022 đã giúp thầy trò có thêm động lực. Tuy nhiên, điều ý nghĩa hơn là trong hành trình đó, các thầy cô giáo và học sinh đã có thêm tình yêu và niềm đam mê đối với văn hóa Mạ, ý thức được đây không còn là nhiệm vụ mà là trách nhiệm, đặc biệt là tạo cảm hứng và định hướng cho các thế hệ học sinh đến với các giá trị di sản.