Người đàn ông mang ẩm thực Việt về Ấn Độ, thực khách xuýt xoa khen
Là một trong số ít nhà hàng Việt Nam ở Mumbai, VietNom được thành lập với mục đích mang di sản ẩm thực phong phú của "mảnh đất hình chữ S" đến quốc gia Nam Á.
Sau khi đến thăm Việt Nam và đặc biệt yêu thích các món ăn nơi đây, anh Sahil Sambhi không chỉ muốn mở một nhà hàng mà còn hy vọng có thể mang văn hóa Việt Nam và trải nghiệm ẩm thực đích thực của "mảnh đất hình chữ S" đến với người dân Ấn Độ.
Sambhi quyết định gặp ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ khi đó, để chia sẻ tầm nhìn của mình về việc mở nhà hàng "chuẩn" Việt Nam đầu tiên tại New Delhi.
"Ngài Đại sứ đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong chuyến công tác của đoàn tới Việt Nam. Nhờ ngài Đại sứ, chúng tôi đã kết nối được với các nhà cung cấp nguyên liệu địa phương. Đại sứ Châu còn sắp xếp cho chúng tôi một hướng dẫn viên am hiểu để hỗ trợ đoàn tìm nguồn nguyên liệu thô và các gia vị trực tiếp từ Việt Nam", nhà sáng lập VietNom chia sẻ trên tạp chí Elle Ấn Độ.
Cũng trong chuyến thăm này, bếp trưởng của nhà hàng Bhim B. Tamang và nhóm của ông đã làm việc với hai nhà hàng địa phương, kết hợp với các chuyến thăm và trò chuyện cùng người dân Việt Nam để hiểu rõ hơn về các lễ hội, văn hóa và thói quen ăn uống.
Cơ sở đầu tiên của VietNom ở Thủ đô New Delhi chính thức mở cửa đón khách vào năm 2019 và nhận về nhiều phản hồi tích cực của khách hàng.
Với mong muốn giới thiệu ẩm thực Việt tới đông đảo người dân Ấn Độ, Sahil Sambhi đã quyết định đưa VietNom tới Mumbai, nơi được mệnh danh là "thành phố của những giấc mơ" vào tháng 7/2024.
"Ngôi nhà" của VietNom ở Mumbai không chỉ chú trọng vào món ăn mà nội thất của nhà hàng còn tập trung nhiều vào các chi tiết mềm mại, uốn lượn và luôn ưu tiên các vật liệu tự nhiên như dây thừng, đay và mây với tông màu be, tạo nên một không gian vừa mới mẻ, vừa lưu giữ được nét quyến rũ của Việt Nam.
Các món ăn trong thực đơn của VietNom được Byisha Mayer, biên tập viên tạp chí Elle Ấn Độ, nhận định là "rất đậm đà và đầy màu sắc".
Mayer bắt đầu bữa ăn của mình bằng một thức uống truyền thống mang "đậm chất" Việt Nam là cà phê sữa đá. Sau đó, cô gọi gỏi cuốn bơ và cá hồi. Món ăn này không chỉ tươi mát mà còn có hương vị bùng nổ khi được ăn kèm với nước chấm chua ngọt.
Theo VietNamNet