Vì sao cánh máy bay thường bị dán 'băng dính' chằng chịt?
Theo các chuyên gia hàng không và Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), mặc dù nhìn giống băng dính, nhưng thứ thường được dán trên cánh máy bay lại là một vật liệu làm từ nhôm được gọi là băng tốc độ.
John Nance, một phi công kỳ cựu kiêm tư vấn viên về an toàn hàng không cho biết: “Sẽ không bao giờ có một loại băng dính bình thường nào dán được trên máy bay. Trên thực tế, thứ mà mọi người hay tưởng nhầm đó chính là băng tốc độ và nó được thiết kế rất đặc biệt để xử lý một số sự cố".
Theo Nance, băng tốc độ cực kỳ bền, có thể chịu được sức gió lên tới 966km/h và những thay đổi khắc nghiệt của môi trường nếu được áp dụng đúng cách. Hãng 3M cho biết phiên bản băng tốc độ của họ có thể chịu được nhiệt độ từ -18 đến 149 độ C và có thể chịu được độ ẩm, lửa, tia UV cũng như hóa chất.
Băng chủ yếu được sử dụng khi thời tiết xấu khiến một bộ phận của máy bay phải tiếp xúc với luồng không khí mạnh. Nance cho biết máy bay vẫn an toàn để bay, nhưng hãng hàng không muốn ngăn chặn bất kỳ tình huống thời tiết nào khiến một bộ phận nào đó của máy bay phải sửa chữa.
Ông nói: “Nó không phải là thứ dùng để giữ cố định hai bộ phận của máy bay lại với nhau".
Nance nói thêm rằng các hãng hàng không "không muốn sử dụng băng tốc độ, đặc biệt là ở những nơi hành khách có thể nhìn thấy chúng để tránh gây hoang mang".
Người phát ngôn của FAA cho biết trong một tuyên bố: Băng tốc độ an toàn trong trường hợp "để sửa chữa tạm thời đối với các bộ phận phi cấu trúc của máy bay". Theo người phát ngôn, mỗi hãng hàng không thường phải nêu rõ việc sử dụng băng đã được phê duyệt trong sổ tay bảo trì của mình, sau đó phải được FAA chấp thuận.
Năm 2002, FAA đã phạt United Airlines 805.000 USD vì bay 193 chuyến bay có dán băng đo tốc độ không đúng cách dù hãng hàng không này phản đối và nói rằng máy bay vẫn bay an toàn. Trong khi hướng dẫn bảo trì của hãng hàng không cho phép sử dụng băng, cơ quan này cho biết một thợ máy của United đã dán nó vào các lỗ quá lớn và sát mép của cánh lướt gió.
Mặc dù máy bay nhìn chung vẫn an toàn kể cả khi phải sử dụng băng tốc độ, ông Nance đề nghị bất kỳ du khách nào quan ngại đến một bộ phận nào đó của máy bay nên bấm nút gọi và yêu cầu tiếp viên nói với phi công để được giải thích vấn đề.
Nance cho biết trong sự nghiệp của mình có ba lần nhờ những hành khách cảnh báo về sự cố mà máy bay tránh được tai nạn, trong đó có một phụ nữ đã phát hiện ra vụ rò rỉ nhiên liệu lớn trên chiếc DC-8 mà ông đang bay khỏi Lima, Peru nhiều năm trước.
Theo VietNamNet