Khối thạch nhũ trong hang động đẹp nhất xứ Nghệ hút du khách tham quan
Hang Bua cách TP Vinh khoảng 160km, nằm ở phía trước dãy núi đá vôi, thuộc bản Na Nhang, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, từ thuở trời đất mới khai thiên lập địa.
Xưa kia, nơi đây là vùng đất trù phú, người dân được thần núi che chở nên cuộc sống yên bình, no ấm, hạnh phúc...
Tương truyền, trong một trận đại hồng thủy xảy ra, người dân mang tất cả cồng, chiêng và các vật dụng đi vào trong hang núi này. Nếu những người vào trong hang không ca hát, nhảy múa thâu ngày suốt đêm thì sẽ bị hoá đá.
Bởi lời nguyền như thế nên đồng bào người Thái vào đây lánh nạn đều vui chơi, nhảy múa, ca hát nhiều ngày liền. Tuy nhiên, do vui chơi rất nhiều ngày liên tục nên ai cũng mệt mỏi và người dân đã ngủ quên, hoá thành các nhũ đá như ngày hôm nay.
Cũng theo người dân ở nơi đây, trong hang có những hình thù giống những sinh hoạt của người xưa như ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, bồ đựng lúa, cây cổ thụ bằng đá tỏa bóng, thửa ruộng hình bậc thang,… Trong hang còn có giếng tiên với nguồn nước mát lạnh, mùa hè khi trời nóng bức, uống một ngụm nước trong hang sẽ cảm thấy vô cùng mát mẻ.
Ở trên cao nhất của hang, khối thạch nhũ đặc biệt như một chiếc giường của công chúa đang hiện hữu. Tuy nhiên, vị trí này khá khó khăn để leo lên chiêm ngưỡng nên du khách chủ yếu nghe qua lời kể.
Hang Bua được biết đến là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của của đồng bào dân tộc Thái xưa. Trong lớp trầm tích tìm thấy ở 2 cửa hang trước và sau có hóa thạch các loài động vật.
Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và nàng Ni (nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá..)
Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Du khách khi đến hang Bua sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh sơn thủy hữu tình. Phía trước cửa chính hang Bua quay mặt về hướng Nam, trên vách đá cheo leo, có hàng chục đàn ong làm tổ.
Phía trước là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, với những bản làng của người Thái sầm uất, yên vui. Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: sông Quàng, sông Việc và sông Hạt, sau đó hợp lưu thành sông Hiếu.
Theo VietNamNet