Khám phá: Gió qua miền Phước Tích
Những
đôi bàn tay vơi màu bùn đất, lò nung cũng mất dần đi, danh tiếng một
thuở của tiền nhân với nghiệp gây dựng gần 500 năm cứ thế nhạt dần.
Người làng gốm Phước Tích chênh chao nhớ mỗi khi gió thổi ngang qua miền
Cố đô.
Giữa
bến nước cùng những dòng sông, thấp thoáng những ngôi nhà vườn cổ kính,
ở đó có một nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi… nhưng đang đứng trước
nguy cơ mai một. Thi thoảng trong không gian vắng lặng vọng lên một
cung đàn xưa khiến những người lữ khách từng đến nơi này chênh chao nỗi
nhớ. Một nỗi nhớ về làng nghề từng vang danh khắp xứ, ấy là nghề làm gốm
làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điều
đặc biệt, là gốm Phước Tích xưa kia đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi
tiếng khắp các vùng trong nước, trở thành lựa chọn duy nhất trong hoàng
cung vua chúa. Hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được chạm trổ
tinh tế và rất đặc trưng, không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào. Nhiều vật
dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ
thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.
Làng
cổ Phước Tích là 1 trong 4 ngôi làng cổ của Việt Nam, được công nhận là
Di tích quốc gia năm 2009. Sau khi được công nhận, đến nay làng cổ
Phước Tích đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả
các lĩnh vực. Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di
tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa, nghề làm gốm
cổ... làng Phước Tích đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du
lịch trong và ngoài nước.
Nhiều
du khách đến tham quan làng cổ, cũng mong muốn được trải nghiệm tự tay
làm gốm, được tham gia vào các công đoạn làm gốm cho đến khi hoàn chỉnh
một sản phẩm gốm đất nung dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Những sản
phẩm do du khách tự tay làm sẽ được cho vào lò nung chín và du khách
mang về. Tuy nhiên, để bảo tồn được ngôi làng cổ với nghề làm gốm cổ thì
vẫn còn nhiều việc phải làm.