Bánh mì xíu mại rẻ nhất Việt Nam, '2.000 đồng/ổ cũng bán' của cụ bà 87 tuổi
Nhiều năm nay, gánh bánh mì vỉa hè của ngoại Sáu - một cụ bà gần 90 tuổi ở Bình Dương được nhiều người gọi là "bánh mì rẻ nhất Việt Nam" hay "bánh mì cứu đói".
Khi màn đêm buông xuống, các gia đình, cửa hàng dần đóng cửa, tắt điện, người người chìm vào giấc ngủ say, bà Nguyễn Thị Ngang (87 tuổi, Bình Dương) lại rục rịch đón ngày mới bên gánh bánh mì.
Trong đêm khuya tĩnh mịch, ánh đèn điện leo lắt, bà Ngang lót chiếc dép phía dưới, ngồi bệt trên nền vỉa hè. Hình ảnh này đã trở nên quá đỗi quen thuộc với nhiều người dân, người lao động trên đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một. Hơn 30 năm qua, cứ đều đặn 3 giờ sáng, ngoại Sáu (tên khách thường gọi bà Ngang) lại lom khom gánh hàng bánh mì đi từ nhà đến nơi bán, mất gần 30 phút.
“Hôm nào đau chân, mỏi lưng quá thì con trai tôi chở ra. Còn nếu khoẻ thì tôi đi bộ như tập thể dục luôn. Gánh mãi cũng quen rồi mà”, ngoại Sáu móm mém cười hiền.
Gánh bánh mì của ngoại Sáu đã trở thành địa điểm thân quen với đông đảo người lao động quanh khu vực. Chỉ 5.000 đồng một ổ, chiếc bánh mì ở đây được mệnh danh “rẻ nhất Việt Nam”. Đây là bữa sáng đã "cứu đói", giúp đỡ biết bao người lao động, công nhân khó khăn trong suốt 3 thập kỷ.
“Tôi mới lên giá 5.000 đồng/ổ gần đây thôi. Mấy chục năm trước mỗi ổ có 500 đồng, 2.000 đồng. Tôi già rồi nên không quan trọng lời lãi, chủ yếu là giúp được người ta ăn ngon, giá rẻ thì tôi vui”, ngoại Sáu vừa thoăn thoắt dồn bánh mì cho vị khách đầu tiên vừa tâm sự.
Gánh bánh mì của ngoại Sáu đơn sơ với một nồi xíu mại nhỏ, ấm nóng, một ít thịt bì, rau sống và nước tương. Tất cả đặt gọn gàng trên một chiếc gánh. Mọi nguyên liệu đều do ngoại Sáu tự tay chế biến. Bên cạnh gánh hàng là rổ lớn bánh mì.
Mỗi ổ được dồn 2-3 viên xíu mại béo, thơm, một ít bì thịt, rau, dưa leo, ớt và chan phần nước xíu mại, nước tương cho vừa miệng.
"Món xíu mại làm kỳ công nên tôi thường bắt đầu chế biến từ buổi trưa. Tới tối khi món chín, tôi vẫn hầm liên tục để giữ độ ấm cho tới khi mang bán. Hồi xưa thì tôi tự đi chợ gần nhà để tìm mua nguyên liệu, nhưng mấy năm đổ lại đây, tôi hay đau lưng, đau chân nên chủ yếu con trai đi chợ, mua đồ theo lời dặn của tôi", ngoại Sáu chia sẻ.
Theo bà, thịt heo khi mua về được sơ chế sạch, băm nhỏ rồi nêm nếm gia vị đậm đà, nặn thành từng viên tròn vừa ăn. "Điểm đặc biệt là phần nước xíu mại. Tôi thắng mỡ heo để làm nước kho của xíu mại. Nhờ vậy phần nước kho vừa thơm vừa có vị béo béo, chan lên bánh mì ăn thì ai cũng thích”, cụ bà gần 90 tuổi minh mẫn kể.
Theo VietNamNet