Đặc sản 4 chân đuôi dài thượt ở Bình Thuận, thịt săn chắc, ngọt thơm hơn thịt gà
Dù vẻ ngoài khiến nhiều thực khách e dè, lo sợ nhưng loài vật này lại là đặc sản nổi tiếng ở Bình Thuận, có thể chế biến thành nhiều món ngon với phần thịt săn chắc, dai, vị ngọt thơm, ngon hơn thịt gà.
Con dông là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Bình Thuận. Chúng sống trong tự nhiên, thích ở những nơi có địa hình đồi cát, nhiều nắng. Loài vật này có vẻ ngoài khiến nhiều thực khách nhìn thấy sợ nhưng thịt săn chắc, thơm ngon.
Khoảng chục năm nay, ngoài khai thác từ tự nhiên, bà con địa phương còn bắt dông về nuôi, nhân giống thành công, tạo nguồn dông thương phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của thực khách cả nước.
Anh Lê Khánh Dân – chủ 2 cơ sở phân phối dông nuôi chuồng và dông tự nhiên ở TP Phan Thiết cho biết, dông có nguồn gốc từ tự nhiên.
Dông nuôi chuồng thường có kích thước lớn, từ 300-600 gram/con, giá khoảng 650.000-900.000 đồng/kg. Dông tự nhiên có trọng lượng nhỏ hơn, mỗi cân khoảng 8-12 con, giá 400.000-600.000 đồng/kg.
“Nếu dông nuôi chuồng có quanh năm thì dông được bẫy từ tự nhiên chỉ có theo mùa, nhiều nhất là vào mùa xuân và mùa hè.
Riêng mùa đông, cả dông chuồng và dông ngoài tự nhiên đều đào hang sâu dưới cát để trú ẩn. Thời điểm này, hoạt động kiếm ăn của dông cũng hạn chế, chúng tự điều tiết dinh dưỡng như gấu Bắc Cực ngủ đông, ít khi ra ngoài”, anh Dân chia sẻ.
Dông được người dân Bình Thuận nuôi thương mại từ khoảng năm 2006 theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên
Ở Bình Thuận, con dông là nguyên liệu chế biến ra nhiều món ngon hấp dẫn như gỏi dông, chả dông, dông nướng muối ớt, dông bằm xúc bánh đa, cháo dông…
Cách sơ chế dông khá đơn giản. Người ta bắt dông sống về, nhanh chóng bẻ gãy xương lưng để chúng không giãy. Sau đó, trụng dông qua nước sôi rồi dùng tay hoặc con dao nhọn, khéo léo lột lớp da mỏng bên ngoài.
Tiếp đến, người ta dùng kéo, cắt mổ phần bụng của con dông để loại bỏ ruột nhưng giữ lại phần mật và gan. Đây là 2 bộ phận được nhận xét là ngon và nhiều dinh dưỡng.
Sau khi sơ chế, thịt dông được rửa lại với nước cho sạch, để ráo rồi chế biến tùy ý.
Với món dông nướng, người dân địa phương thường để nguyên con rồi tẩm ướp gia vị. Với các món như canh, lẩu, kho, xào…, thịt dông được chặt miếng vừa ăn rồi chế biến phù hợp theo công thức từng món.
Theo VietNamNet