Món ngon: Đặc sản Nha Trang ăn cả chục cái vẫn thèm
Không ai biết bánh căn có từ bao giờ, chỉ biết nó xuất xứ ở Ninh Thuận, là một món ăn nổi tiếng của người Chăm ở đây.
Trải qua bề dày lịch sử, người Việt ở nhiều nơi đã học hỏi và sáng tạo thêm nhiều cách thức mới làm món ăn này thêm đặc sắc, hợp khẩu vị, như ăn với nhiều loại nước chấm hơn, thêm vào bánh là tôm, mực, thịt bò…
Bánh căn có hình dáng gần giống với bánh khọt ở các tỉnh miền Nam nhưng cách làm hoàn toàn khác. Nếu như bánh khọt là loại bột gạo chiên (vì có dùng dầu mỡ) thì bánh căn là loại bánh bột gạo nướng.
Cô Tư, người bán bánh căn hơn 30 năm trên đường Tháp Bà (Nha Trang) bật mí: "Nguyên liệu chính làm bánh căn chỉ có bột gạo được pha loãng. Nhưng để bánh ngon, tôi sẽ làm từ gạo tẻ cũ của mùa trước, trộn với một ít cơm nguội thì bánh mới giòn, xốp và dậy mùi thơm".
Trước đây, cô Tư gánh hàng đi bán rong khắp phố biển Nha Trang. Hơn chục năm nay, cô mới mở quán, ngồi yên vị ở đầu phố Tháp Bà để phục vụ du khách. Trung bình mỗi ngày cô bán hơn 1000 chiếc cùng với những đặc sản khác.
Khuôn nướng bánh phải làm từ gốm, đặt trên bếp than, chỗ đặt khuôn và bếp phải thăng bằng và phía cửa lò kín gió để bánh chín đều và đẹp. Lò than rực hồng, đặt khuôn lên chờ thật nóng, đổ bột vào từng khuôn, rồi đậy nắp lại.
Vài phút sau, mùi thơm tỏa ra, mở nắp khuôn nếu thấy khô mặt bánh, dùng chiếc đũa có đầu dẹt nạy quanh vành bánh, bánh không còn dính khuôn, tức là đã chín.
Nước chấm bánh căn là nước mắm tỏi ớt pha loãng với ít chanh, đường. Ăn bánh căn không thể thiếu bát hành phi mỡ thơm nức và viên xíu mại. Nước chấm cũng thay đổi tùy ý khách, có đủ vị mặn, ngọt, béo, bùi, thêm chút xoài chua thái mỏng.