Du lịch: Food tour hướng đi mới nhiều tiềm năng của du lịch
Vài năm trở lại đây, Food Tour (Du lịch ẩm thực) đang là xu hướng mới phát triển rộng rãi tại Việt Nam. Vượt qua vai trò một sản phẩm du lịch, nó đã trở thành một công cụ mạnh mẽ để quảng bá ngành công nghiệp không khói. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang sở hữu "kho báu" về ẩm thực độc đáo mang đậm văn hóa vùng miền.
Xu hướng mới
Food Tour là loại hình nhằm tìm kiếm và thụ hưởng sự độc đáo và đáng nhớ từ những trải nghiệm về đồ ăn và thức uống. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách thường chi trung bình 1/3 ngân sách chuyến đi cho ẩm thực. Ðồng thời, có tới hơn 80% số đơn vị, tổ chức du lịch khi được điều tra đều xác định, du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch.
Bên cạnh việc thưởng thức và trải nghiệm vị giác khác lạ của các món ăn, qua Food Tour, du khách còn được khám phá những nét văn hóa bản địa của con người, cỏ cây và thiên nhiên tại điểm đến, làm phong phú hơn trải nghiệm du lịch của chuyến đi.
Đừng chỉ dừng ở mô hình điểm
Về cơ bản, ta có thể hiểu, nếu tour du lịch thông thường là đi thăm quan các địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp, thì Food tour sẽ là đi thăm các địa điểm ẩm thực ngon, đặc sắc. Do yêu cầu du khách ăn và ăn liên tục nên thông thường food tour sẽ được diễn ra trong từng khu vực địa lý. Theo đó, khu vực địa lý càng lớn, thì thời gian diễn ra food tour càng dài. Food tour ngắn nhất có thể chỉ diễn ra trong vài giờ, dài hơi hơn thì là trong vài ngày đến vài tuần.
Chúng ta đã có không ít món ngon được vinh danh thế giới như phở bò, bánh mì thịt, bánh cam, bánh bột lọc… và vẫn cần sự quảng bá nhiều hơn, phát triển theo chiến lược dài hơi.
Suy nghĩ ẩm thực chỉ đóng vai trò phụ trợ hay dịch vụ kèm theo, đã trở nên lạc hậu trong thời đại 4.0 ngày nay. Trên thực tế, nếu như những thành phố lớn phát triển ẩm thực đường phố, thì vùng DTTS đang sở hữu một kho báu về ẩm thực độc đáo mang đậm văn hoá từng vùng miền.