Ẩm thực: Công phu món ăn 36 vị của người Sán Dìu
Được chế biến từ thịt lợn ba chỉ nhưng khao nhục (nhiều nơi gọi là khau nhục) lại khiến người ăn không thấy ngấy mỡ mà lại có mùi vị rất độc đáo, bổ dưỡng... Từ lâu, khao nhục đã trở thành một món đặc sản dùng trong cỗ bàn sang trọng, tiếp đón khách quý hoặc mỗi dịp lễ tết của đồng bào Sán Dìu.
Đến người Sán Dìu cũng không biết món khao nhục có từ khi nào. Chỉ biết rằng, "khao" có nghĩa là "hấp đến mềm rục", còn chữ "nhục" có nghĩa là "thịt", do đó “khao nhục” có thể hiểu là “thịt được hấp đến chín nhừ”. Từ một món ăn đậm chất văn hóa của người Sán Dìu, đến nay khao nhục đã trở thành đặc sản được nhiều thực khách trong và ngoài nước ưa thích.
Muốn làm món khao nhục ngon phải mất nhiều công phu ngay từ khâu chọn thịt. Thịt được chọn là thịt ba chỉ của những con lợn ngon (khoảng từ 70-80kg), lại không được béo quá, phải đạt đúng tiêu chuẩn: nửa nạc, nửa mỡ... Thịt ba chỉ được chọn để nguyên miếng to cho vào luộc chín, rồi vớt ra để ráo nước.
Nhiều nơi khi luộc còn bỏ thêm những gia vị vào nước như: Đại hồi, tiểu hồi, thảo quả, quế chi, đinh hương... để tạo hương vị cho miếng thịt. Vớt ra trong khi thịt còn nóng, nghệ nhân tiến hành xâm thịt loại bỏ mỡ bằng những cây tăm tre nhỏ nhọn đầu hoặc dùng kim xâm kỹ toàn bộ bề mặt của miếng thịt. Mỡ theo những lỗ nhỏ thoát ra được lau bằng khăn sạch, tiếp đó quét một lớp mật ong để ngấm vào từng thớ thịt.
Yếu tố quyết định hương vị, làm cho món ăn này ngon lại nằm ở phần chế biến nhân. Nhân cho món ăn này được chế biến rất công phu. Nhân của khao nhục còn có 12 vị thuốc bắc như: Hạt sen, ngũ vị hương, húng lìu... Theo những nghệ nhân kể lại thì để món ăn ngon, nhân đúng vị phải có đủ 36 loại gia vị phối hợp với nhau. Thế nên món ăn này xưa vừa có hương vị thơm ngon vừa có tác dụng tốt bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh...
Thịt rán cắt thành miếng đều, đặt vào bát hấp cách thủy 2 đến 3 tiếng cho nhừ, để gia vị quyện vào thịt. Khi ăn, không gây ngán, béo do được chế biến kỹ.