Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,3% năm 2023
Theo Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động cơ bản thấp từ hậu COVID-19 giảm dần.
Ngân hàng Thế giới cho biết, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8,0%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019. Sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch COVID-19 và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu.
Tuy nhiên, đóng góp của khu vực công vào tăng trưởng còn hạn chế do việc triển khai các chương trình đầu tư công còn yếu kém. Trong khi việc làm phục hồi về mức trước COVID-19 vào năm 2022, nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã dẫn đến tình trạng các đơn đặt hàng và xuất khẩu chậm lại trong Quý 4-2022, đồng thời gây ra áp lực mới lên thị trường lao động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình là 3,1%. Lĩnh vực tài chính của Việt Nam chịu nhiều áp lực hơn trong năm 2022, trong khi cán cân tài khóa ước tính thặng dư.
Phản ánh những trở ngại trong nước và bên ngoài, Ngân hàng Thế giới cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động cơ bản thấp từ hậu COVID-19 giảm dần. Động lực tăng trưởng chính sẽ là nhu cầu trong nước, có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023.
Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nền kinh tế dự kiến sẽ được hưởng lợi việc thực hiện một phần của Chương trình hỗ trợ kinh tế 2022-2023. Một chính sách tiền tệ linh hoạt—phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa—sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước.
“Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
Theo Ngân hàng Thế giới, ngành dịch vụ đã trở thành ngành lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, tăng từ 40,7% GDP năm 2010 lên 44,6% GDP năm 2019. Tỷ trọng việc làm của ngành đã tăng từ 29,6% năm 2010 lên 35,3% năm 2019. Là nguồn việc làm lớn nhất, ngành này đã hấp thụ một phần đáng kể lao động từ ngành nông nghiệp.
Theo VnMedia