Việt Nam cần sớm triển khai đồng tiền số do Chính phủ phát hành
Theo chuyên gia, việc đưa đồng tiến số do Chính phủ phát hành (CBDC) vào vận hành sẽ tạo nền tảng cho các giao dịch trên sàn tiền số, đồng thời thiết lập cơ chế trao đổi với các loại tiền số trên thế giới.
Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, hoàn thiện hồ sơ nghị quyết thí điểm để quản lý các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tài sản mã hóa.
Trước đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được giao trình Chính phủ khung pháp lý quản lý tài sản số, tiền kỹ thuật số ngay trong tháng 3 này.
Theo các chuyên gia, việc thí điểm sàn giao dịch tiền số tại Việt Nam mở ra cơ hội phát triển thị trường tài sản số, thúc đẩy nền kinh tế số. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn, cần nghiên cứu kỹ.
Cơ hội đi kèm thách thức, rủi ro
Chia sẻ với PV VietNamNet, TS Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch liên minh Blockchain Việt Nam, dẫn số liệu thống kê của một số tổ chức cho thấy dòng tài sản số vào Việt Nam trong năm 2023 đạt 105-120 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 1/4 GDP của Việt Nam.
Ông Tuấn đánh giá, tài sản số là một trong những thành phần quan trọng của kinh tế số; là cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm về tài sản số trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Chủ tịch liên minh Blockchain Việt Nam nhận định đây là lĩnh vực mới với nhiều rủi ro do tài sản số và tiền mã hóa có biên độ biến động lớn và nhanh, khác biệt so với thị trường chứng khoán.
“Tài sản số, tiền mã hóa giao dịch xuyên biên giới dễ dàng với nhiều giao dịch ẩn danh, khiến việc kiểm soát, bao gồm cả chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trở nên đầy thách thức. Việt Nam thử nghiệm trong bối cảnh khung pháp lý chưa được kiểm chứng thực tế, chưa có nghiên cứu chuyên sâu hay kinh nghiệm quản lý đối với loại hình tài sản mới này, do đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Tuấn nói.
Vì vậy, theo vị chuyên gia, việc quản lý và cấp phép cho các sàn giao dịch là cần thiết.
Theo VietNamNet