Gói tín dụng 125.000 tỷ đồng chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, gói tín dụng 125.000 tỷ đồng phải chịu lãi suất khá cao 7,5%/năm và được điều chỉnh mỗi 6 tháng 1 lần và sau thời hạn ưu đãi lãi suất thì áp dụng lãi suất thỏa thuận, “thả nổi” nên người mua, thuê mua nhà ở xã hội có tâm lý “bất an” nên ngại vay.
Phát biểu tại hội nghị "Gỡ vướng để phât triển nhà ở xã hội do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 17/4/2024, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, về nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, để bố trí “tái cấp vốn” cho Ngân hàng chính sách xã hội hoặc “cấp bù lãi suất” cho 4 ngân hàng thương mại(Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội. Bởi lẽ trong giai đoạn 2015-2020, do chưa bố trí được nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội nên các chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội gần như không được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Đối với gói tín dụng 125.000 tỷ đồng do 05 ngân hàng thương mại tự nguyện đóng góp (vừa được bổ sung 5.000 tỷ đồng của 1 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia) với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất vay thương mại thông thường, hiện nay đang áp dụng lãi suất 8%/năm đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong thời hạn 3 năm có tác dụng tích cực đối với các chủ đầu tư của các dự án này và cho cả người mua nhà tại các dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ được vay với lãi suất 8%/năm trong thời hạn 5 năm, bởi lẽ trước đây các đối tượng này đã phải vay với lãi suất lên đến trên dưới 12%/năm. Nhưng, theo ông Lê Hoàng Châu, gói tín dụng 125.000 tỷ đồng lại chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội không chỉ vì phải chịu lãi suất khá cao 7,5%/năm và chỉ được áp dụng trong thời hạn 5 năm, mà còn bởi vì các mức lãi suất này được điều chỉnh mỗi 6 tháng 1 lần và sau thời hạn ưu đãi lãi suất thì áp dụng lãi suất thỏa thuận, “thả nổi” nên người mua, thuê mua nhà ở xã hội có tâm lý “bất an” nên ngại vay.
Do vậy, "Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng thêm 02 đối tượng được vay gói 125.000 tỷ đồng bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Theo VnMedia