Nhật Bản tính làm siêu băng chuyền dài 500km, thay thế 25.000 tài xế xe tải
Siêu băng chuyền kết nối Tokyo và Osaka (Nhật Bản), vận chuyển hàng hoá 24 giờ, tương đương với hoạt động của 25.000 xe tải mỗi ngày.
Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch (MLIT) Nhật Bản vừa công bố một tuyến đường băng chuyền 500km giữa Tokyo và Osaka. Tuyến đường “Autoflow-Road” như một băng chuyền hàng hóa của sân bay hay các mỏ.
Băng chuyền khổng lồ này được xây dựng giữa đường cao tốc, dọc theo các tuyến đường và đường hầm. Hàng hoá sẽ được vận chuyển tự động bằng xe điện, không người lái, nhằm giải bài toán thiếu hụt lao động và cắt giảm khí thải tại Nhật Bản.
Theo ước tính của tờ Yomiuri, tuyến đường này có thể đi vào hoạt động trong vòng một thập kỷ tới, chi phí ước tính lên tới 80 tỷ yên (512 triệu euro) cho mỗi đoạn đường dài 10km.
Shuya Muramatsu, một quan chức cấp cao, cho biết băng chuyền logistics tự động được thiết kế để tận dụng tối đa không gian đường như lề cứng, dải phân cách và đường hầm bên dưới.
Theo MLIT, sáng kiến Autoflow-Road được đưa ra vào thời điểm dân số Nhật Bản già hóa nhanh chóng. Nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tài xế giao hàng, với các quy định mới giới hạn thời gian làm thêm mỗi tuần chỉ còn 18 giờ.
Vận chuyển chậm làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm tươi như dâu tây, cải thảo. Hơn 90% hàng hóa tại Nhật Bản đang vận chuyển bằng đường bộ.
Một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu Nomura cho thấy đến năm 2030, Nhật Bản sẽ thiếu 35% tài xế xe tải so với lượng hàng hóa cần vận chuyển. Các vùng nông thôn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Diễn đàn Vận tải Quốc tế (ITF) ước tính rằng, vận tải hàng hóa liên quan đến thương mại gây ra hơn 7% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải liên quan đến vận tải.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Mỹ, Trung Quốc và EU là những nước đứng đầu phát thải trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ, trong khi Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 3%.
Thời gian vận chuyển lâu và quãng đường dài khiến ngành logistics khó sử dụng xe điện (EV). Để giảm lượng CO2, các công ty vận tải đã sử dụng tàu cao tốc kết hợp với xe tải nhỏ.
Theo VietNamNet