CEO IMF: Lạm phát toàn cầu có thể sớm hạ nhiệt
Theo một số chuyên gia, mặc dù chúng ta chưa cảm nhận được dấu hiệu tích cực về tình trạng lạm phát hiện nhưng giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã đi qua.
Tại Mỹ, lạm phát hàng năm hiện đang ở mức 8,2%. Ở Anh, giá cả tăng 8,8%, trong khi khu vực đồng Euro còn tệ hơn với lạm phát neo ở mức 10,7%.
Thế nhưng, một số chuyên gia nhận định lạm phát trên toàn cầu đã đạt đỉnh.
Kristalina Georgieva, CEO Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói với Bloomberg hôm thứ Hai rằng: “Tôi sẽ không ra kết luận trước khi có dữ liệu, nhưng rất có thể lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh”.
Bên cạnh đó, ông Paul Krugman, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel năm 2008, nói rằng: “Câu chuyện lạm phát hiện tại có thể phức tạp hơn những gì chúng ta thấy ban đầu bởi các chỉ báo kinh tế thường có độ trễ và bây giờ có thể chúng đang phát tín hiệu rằng lạm phát đang đi xuống”.
Trong nhiều tháng qua, Krugman đã tuyên bố rằng, giá cả ở một số lĩnh vực chính gây ra lạm phát, bao gồm giá thuê nhà, đã giảm. Nhưng, điều này vẫn chưa được công bố trên các trang dữ liệu chính thức.
Hôm 5/11, ông Krugman viết trên Twitter rằng, khi tính đến độ trễ của các dữ liệu kinh tế, lạm phát hiện nay ở Mỹ thậm chí đã sụt giảm xuống ngưỡng 4%.
Bà Georgieva cho hay, các đợt tăng lãi suất đồng loạt trên thế giới có thể đã kéo được lạm phát đi qua đỉnh, đồng thời cho rằng lạm phát nên là “ưu tiên hàng đầu” của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu và tán thành việc tăng lãi suất.
Song song đó, CEO IMF cũng cảnh báo, việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% hàng năm sẽ "khó khăn hơn" vì các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bà Kristalina Georgieva chia sẻ: “Chúng tôi thực sự nghĩ rằng lạm phát sẽ khó mà giảm xuống mức các Ngân hàng Trung ương mong muốn là 2%. An ninh chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì chắc chắn giá cả sẽ chịu áp lực tăng”.
Ở Mỹ, lạm phát cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Gần một nửa người tiêu dùng Mỹ nghĩ rằng lạm phát sẽ còn kéo dài ít nhất trong năm tới và nhiều người đã phải thắt chặt ví tiền, chi tiêu ít hơn trong các đợt nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, mục tiêu cuối cùng của Fed là đưa lạm phát xuống gần tỷ lệ 2% nhất có thể. Và một nhà kinh tế cho rằng, cơ quan này đã ở gần với mục tiêu đó hơn những gì họ nghĩ.
Theo VnMedia