Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 7% trong tháng 4. Đây là lần đầu tiên tỉ lệ lạm phát tăng trong 5 tháng qua, dữ liệu do văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu Eurostat cho biết.
Giá tiêu dùng tăng từ mức 6,9% trong tháng 3, do giá thực phẩm tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng trước. Thực phẩm, rượu và thuốc lá dự kiến sẽ có tỷ lệ tăng hàng năm cao nhất trong tháng 4, tiếp theo là hàng công nghiệp phi năng lượng, tăng 6,2%.
Dịch vụ tăng 5,2% trong tháng 4, so với 5,1% của tháng trước. Giá năng lượng đã tăng trở lại 2,5% sau khi giảm nhẹ 0,9% trong tháng 3, theo báo cáo.
Lạm phát lõi – không bao gồm giá lương thực và năng lượng – đã giảm từ 5,7% trong tháng 3 xuống 5,6% trong tháng 4. Các số liệu được các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu theo dõi chặt chẽ, họ sẽ quyết định có tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hay không khi họ họp vào thứ Năm.
Latvia tiếp tục vật lộn với mức lạm phát cao nhất ở mức 15%, tiếp theo là Slovakia, Litva và Ireland - tất cả đều phải đối mặt với mức giá tiêu dùng tăng hai con số trong khu vực đồng euro gồm 20 thành viên.
Lạm phát ở Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, đã giảm xuống 7,6% trong tháng 4 từ mức 7,8% trong tháng 3. Tuy nhiên, tại Pháp, giá tiêu dùng đã tăng 6,9% trong tháng trước so với mức 6,7% trong tháng 3, Eurostat cho biết.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng mặc dù ECB chưa cam kết tăng lãi suất mới, nhưng các số liệu mới nhất cho thấy khả năng đó sẽ cao hơn. Lãi suất tiền gửi chính trong khu vực đồng euro đứng ở mức 3%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cho biết, kiềm chế lạm phát đồng thời tránh suy thoái kinh tế là thách thức lớn nhất mà EU sẽ phải đối mặt trong những tháng tới.
Theo Vnmedia