Ấn Độ đẩy nhanh tiến trình giảm sử dụng đồng USD trong thương mại xuyên biên giới
Chính phủ trung ương của Ấn Độ đã công bố Chính sách Ngoại thương mới của mình – một chính sách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy thương mại, tăng cường sản xuất đồng thời giúp Ấn Độ rời xa đồng đô la Mỹ (USD) và biến đồng rupee của nước này trở thành đồng tiền thế giới.
Chính sách Ngoại thương (FTP) 2023 của Ấn Độ đã được Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal tiết lộ hồi cuối tuần vừa rồi và nó sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4.
Giao dịch bằng đồng rupee của Ấn Độ được coi là trọng tâm của kế hoạch mới và là một phần trong chính sách rộng lớn hơn của New Delhi nhằm đảm bảo vị thế toàn cầu cho đồng tiền của nước này cũng như cho phép đồng tiền nội địa của họ được sử dụng để thanh toán thương mại quốc tế.
Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ gần đây đã thực hiện một số bước đi nhằm hướng tới việc chuyển từ đồng bạc xanh sang đồng rúp và đồng rupee trong giao dịch thương mại với Nga - quốc gia đang bị các nước phương Tây trừng phạt. New Delhi cũng đã đồng ý chuyển sang cơ chế thanh toán bằng đồng rupee đối với hàng nhập khẩu dầu thô của Iran. Malaysia là quốc gia mới nhất đồng ý thanh toán các giao dịch thương mại với Ấn Độ bằng đồng rupee.
Theo chính sách mới, Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch nâng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Kế hoạch này bao gồm một loạt các bước như mở rộng lợi ích của Chính sách Ngoại thương đối với xuất khẩu thương mại điện tử và tăng gấp đôi giới hạn giá trị đối với xuất khẩu thông qua chuyển phát nhanh.
Chính sách Ngoại thương 2023 cũng đề xuất tạo một khu vực được chỉ định với cơ sở kho bãi để giúp các đơn vị tổng hợp thương mại điện tử dễ dàng nhập kho, thông quan và xử lý hàng trả lại.
Thương mại của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng trong những năm gần đây do sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến Covid-19 và thương mại toàn cầu chậm lại trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn ra.
Theo VnMedia