Đề xuất buộc các giao dịch tài sản có trị giá lớn phải qua ngân hàng
Nhiều đề xuất cho rằng những giao dịch có giá trị lớn như mua nhà đất, ô tô, du thuyền... phải thực hiện qua ngân hàng.
Bắt đầu từ tháng 12, các giao dịch của mọi cá nhân, tổ chức có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Vậy đối tượng nào cần phải báo cáo; việc giám sát báo cáo này có ảnh hưởng gì đến giao dịch thông thường của người dân hay không... là những vấn đề được nhiều người quan tâm.
Quy định giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo vốn dĩ đã được áp dụng cả chục năm nay. Từ năm 2005, theo Nghị định của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, mức áp dụng 200 triệu đồng trở lên, đến năm 2013, nâng lên từ 300 triệu đồng và duy trì cho đến 1/12 tới đây nâng lên 400 triệu đồng. Đây hoàn toàn không phải quy định mới và không hạn chế giao dịch chính đáng của người dân mà việc báo cáo này nhằm phòng, chống rửa tiền.
Đối tượng áp dụng được quy định theo Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm các tổ chức tài chính như: ngân hàng; trung gian thanh toán. Ngoài ra quy định còn áp dụng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính thực hiện một số hoạt động như: kinh doanh trò chơi có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược; kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh quy định các ngân hàng phải báo cáo khi khách hàng thực hiện giao dịch có tổng trị giá từ 400 triệu đồng trở lên, nhiều đề xuất cho rằng những giao dịch có giá trị lớn như mua nhà đất, ô tô, du thuyền... phải thực hiện qua ngân hàng.
Theo kinh nghiệm quốc tế, tại Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN đều có quy định báo cáo các giao dịch có giá trị lớn với các mức quy định giá trị khác nhau nhằm kiểm soát dòng tiền và chống rửa tiền.
Theo VnMedia