Ấn Độ và Nga làm suy yếu vị thế thống trị nhiều thập kỷ của đồng USD
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây do Mỹ dẫn dắt nhằm vào Nga đã bắt đầu làm suy yếu vị trí thống trị hàng chục năm qua của đồng đô la Mỹ (USD) trong các giao dịch thương mại dầu mỏ quốc tế khi hầu hết các giao dịch của Nga với Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Nga – đã và đang được thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.
Tính ưu việt của đồng đô la Mỹ đôi khi bị hoài nghi nhưng nó vẫn tiếp tục giữ vai trò thống trị trên thế giới vì những lợi thế áp đảo của việc sử dụng đồng tiền này được chấp nhận rộng rãi nhất trong kinh doanh.
Để đối phó với sự hỗn loạn gây ra từ các biện pháp trừng phạt và cuộc chiến tranh ở Ukraine, giao dịch thương mại dầu mỏ của Ấn Độ đã đem đến một bằng chứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay việc sự chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác thực tế có thể bền vững lâu dài.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới và Nga đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Ấn Độ sau khi châu Âu từ chối nguồn cung cấp từ Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine – một cuộc chiến được khải hỏa từ tháng 2 năm ngoái.
Sau khi một liên minh phản đối chiến tranh Ukraine tiến hành áp đặt giá trần đối với dầu của Nga vào ngày 5/12, các khách hàng Ấn Độ đã thực hiện thanh toán cho hầu hết nguồn cung cấp dầu từ Nga bằng các loại tiền tệ không phải là đồng đô la Mỹ, bao gồm cả đồng dirham của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và gần đây là đồng rúp của Nga, các nguồn tin từ ngân hàng và các công ty giao dịch dầu mỏ cho biết.
Những giao dịch trong ba tháng qua giữa Nga và Ấn Độ có tổng trị giá tương đương vài trăm triệu US, các nguồn tin cho biết thêm. Đây là một sự thay đổi chưa từng được ghi nhận trước đây.
Nhóm Bảy nền kinh tế phát triển – G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã nhất trí thực hiện việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga vào cuối năm ngoái để cấm các công ty cung cấp dịch vụ và vận chuyển của phương Tây giao dịch dầu mỏ của Nga trừ khi mặt hàng này được bán với giá thấp dưới hoặc bằng mức giá trần mà họ đưa ra. Mục đích của việc áp giá trần là phương Tây muốn tước đi nguồn tài trợ cho cuộc chiến của Moscow ở nước láng giềng Ukraine.
Một số thương nhân có trụ sở tại Dubai và các công ty năng lượng Nga Gazprom cũng Rosneft đang tìm kiếm các khoản thanh toán không dùng đồng đô la Mỹ cho một số loại dầu nhất định của Nga – những loại dầu mà trong những tuần gần đây đã được bán trên mức giá trần 60 USD/thùng do phương Tây áp đặt, ba nguồn thạo tin cho biết.
Các nguồn tin trên yêu cầu được giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Theo VnMedia