London không còn độc chiếm vị trí trung tâm tài chính số 1 thế giới
Thủ đô của Vương quốc Anh đã không còn một mình độc chiếm vị trí dẫn đầu với tư cách là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, một phần là do nước này rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), một nghiên cứu vừa được công bố bởi Thành phố London mới đây đã tiết lộ như vậy.
Các số liệu mới cho thấy London và New York hiện đang chia sẻ vị trí đứng đầu với tư cách là các trung tâm tài chính hàng đầu trên toàn cầu. Theo dữ liệu điểm chuẩn của cơ quan quản lý Thành phố London, đây là năm đầu tiên thủ đô của Vương quốc Anh không độc chiếm vị trí dẫn đầu một cách rõ ràng khi các trung tâm tài chính khác đang phát triển nhanh hơn.
Các giám đốc điều hành dịch vụ tài chính của Anh đã bày tỏ mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của London, nói rằng thành phố có nguy cơ mất vị trí hàng đầu sau khi thực hiện việc rời khỏi EU (Brexit), khiến một số công ty chuyển trụ sở chính sang EU.
“Vương quốc Anh vẫn là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu và cởi mở nhất với khả năng tiếp cận thị trường quốc tế tốt hơn so với Mỹ, Pháp hoặc Nhật Bản. Nhưng lợi thế cạnh tranh của chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bị mất đi,” ông Chris Hayward - Chủ tịch phụ trách về chính sách của City of London Corporation cho biết.
Dữ liệu cho thấy “số lượng công ty quốc tế niêm yết tại London đang giảm” và ngày càng ít công ty quốc tế chọn thủ đô của Vương quốc Anh để niêm yết. Thay vào đó, họ chọn thành phố New York của nước Mỹ.
Trong những tháng gần đây, Arm - một nhà thiết kế chip lớn thuộc sở hữu của SoftBank Nhật Bản và gã khổng lồ vật liệu xây dựng CRH có trụ sở tại Dublin, đã thông báo quyết định chuyển khỏi Vương quốc Anh và tìm cách niêm yết tại Mỹ.
Ông Julia Hoggett - Giám đốc điều hành của Sở giao dịch chứng khoán London, trước đó hồi tháng Ba từng cho biết: “Thông báo trên cho thấy Vương quốc Anh cần đạt được tiến bộ nhanh chóng trong chương trình cải cách thị trường và cải cách các quy định, bao gồm giải quyết lượng vốn rủi ro đang có để thúc đẩy tăng trưởng”.
Đáp lại, chính phủ Anh đã vạch ra một loạt các sáng kiến nhằm cải cách thị trường niêm yết ở Anh và thúc đẩy bãi bỏ quy định trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm để thúc đẩy hoạt động kinh doanh mới.
Tuy nhiên, có những lo ngại cho rằng Mỹ có tính hấp dẫn hơn đối với các công ty phát triển kinh doanh do văn hóa kinh doanh ở nước này ít hạn chế hơn.
Theo VnMedia