WTO: Thương mại thế giới ổn định và tăng trưởng 'tốt hơn dự báo'
WTO cho biết tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 cao hơn mức dự báo 3% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng Tư năm ngoái và cao hơn đáng kể so với ước tính trước đây cho các kịch bản bi quan hơn.
Thương mại toàn cầu vẫn ổn định và tăng trưởng tốt hơn so với dự báo được đưa ra năm 2022 do các nền kinh tế chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tìm được các nguồn cung ứng hàng hóa thay thế. Đây là đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra ngày 23/2.
Trong bản đánh giá này, WTO cho biết tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 cao hơn mức dự báo 3% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng Tư năm ngoái và cao hơn đáng kể so với ước tính trước đây cho các kịch bản bi quan hơn đối với năm 2022.
Về triển vọng dài hạn, các dự báo mới của WTO cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố hệ thống thương mại đa phương, trong đó các nước kém phát triển nhất có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu hợp tác quốc tế bị phá vỡ.
Nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa cho biết thương mại toàn cầu "đã duy trì tốt" khi đối mặt với cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo đó những dự đoán tồi tệ nhất khi cuộc xung đột mới bùng phát đã không xảy ra.
Theo ông, những dự báo về giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã không thành hiện thực nhờ sự cởi mở của hệ thống thương mại đa phương và sự hợp tác của các chính phủ đã cam kết tại WTO.
Các đối tác thương mại đã tìm thấy các nguồn thay thế để lấp đầy khoảng trống cho hầu hết nguồn cung các sản phẩm bị ảnh hưởng do cuộc xung đột, như lúa mỳ, ngô, phân bón, nhiên liệu và nguyên liệu hiếm...
Giá các loại hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc khủng hoảng tăng ít hơn những dự báo được đưa ra khi xung đột bùng phát. Điển hình là lúa mỳ. Giá loại lương thực này tăng 17%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 85% WTO dự đoán đối với một số khu vực có thu nhập thấp.
Cũng theo đánh giá của WTO, khi xuất khẩu của Ukraine giảm 30% về giá trị trong năm 2022, nhiều nền kinh tế châu Phi phải điều chỉnh mô hình tìm nguồn cung ứng. Ethiopia, vốn dựa vào Ukraine và Nga để nhập khẩu 45% lúa mỳ, đã tăng cường mua mặt hàng này từ các nhà sản xuất khác như Mỹ và Argentina.
Theo VnMedia