Vỡ nợ doanh nghiệp toàn cầu gia tăng
Moody's cho rằng các công ty chịu tác động mạnh trong năm qua, do lãi suất tăng, giá năng lượng cao và triển vọng kinh tế toàn cầu u ám.
Số công ty vỡ nợ trên toàn cầu đã tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay, lên mức cao nhất so với bất kỳ quý nào từ cuối năm 2020 - thời điểm doanh nghiệp khắp thế giới hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's cho biết 33 trong số công ty được Moody's xếp hạng tín nhiệm đã rơi vào cảnh vỡ nợ trong quý I năm nay. Đây là con số lớn nhất kể từ quý IV/2020, khoảng thời gian có 44 công ty vỡ nợ.
Khoảng một nửa trong số này, tức 15 doanh nghiệp, vỡ nợ chỉ riêng trong tháng 3 - con số hàng tháng cao nhất kể từ tháng 12/2020. Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp đã hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh môi trường lãi suất tăng, giá năng lượng tăng và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Tại Anh, số công ty mất khả năng thanh toán tháng trước vượt xa mức trước đại dịch. Theo số liệu chính phủ Anh công bố hôm 18/4, số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đã tăng 16% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, nhà đầu tư mua ít trái phiếu doanh nghiệp hơn. Đây là dấu hiệu môi trường toàn cầu khó khăn hơn với các doanh nghiệp cần đi vay.
Moody's dự báo lãi suất tăng cao và tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ kéo tỉ lệ vỡ nợ của nhóm bị xếp hạng "đầu cơ" lên 4,6% cuối năm nay. Tỉ lệ này tháng trước là 2,9%. "Đầu cơ" là nhóm trái phiếu doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao, còn được gọi là "trái phiếu rác".
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global tháng trước cũng đưa ra dự đoán tương tự, rằng đến cuối năm 2023, 4% trái phiếu doanh nghiệp đầu cơ của Mỹ sẽ vỡ nợ, cao hơn mức 1,7% vào cuối năm 2022, do tăng trưởng chậm lại, doanh thu thấp, áp lực chi phí và các điều kiện tài chính thắt chặt đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn.
Theo Vnmedia