Tỷ giá chính thức tại các ngân hàng đã vượt qua 24.000 đồng/USD và đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Hiện nhiều ý kiến cho rằng, áp lực tỷ giá trong nước chỉ mang tính thời điểm do nguồn cung USD của Việt Nam cao hơn nhiều cầu nhờ nền kinh tế xuất siêu lớn, giải ngân vốn FDI tăng cao và nguồn kiều hối tiếp tục đổ về mạnh mẽ.
Với các doanh nghiệp vận tải quốc tế, biên lợi nhuận năm nay giảm chỉ còn 5 - 6% thay vì mức 8 - 10% như mọi năm. Trong khi đó, tất cả chi phí thanh toán đều tính toán theo USD. Tỷ giá cứ biến động 1% thì chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra cũng tăng tương ứng. Đồng nghĩa lợi nhuận vốn đã thấp, nay lại càng thấp hơn.
Trong khoảng một tuần trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã khởi động trở lại kênh phát hành tín phiếu trên thị trường mở, với tổng khối lượng đã hút ròng gần 94.000 tỷ đồng. Việc này được cho là sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ, đồng thời góp phần trung hoà áp lực tỷ giá.
Ông Kim Kwang Yoon - Giám đốc Tài chính, Công ty TNHH Optrontec Vina cho biết: "Qua quá trình giải ngân và thực tế hoạt động của chúng tôi thì thấy rằng Việt Nam đang có những điều kiện vĩ mô tốt như dòng vốn FDI giải ngân quay trở lại mạnh mẽ, thặng dư thương mại xuất khẩu trên 20 tỷ USD sẽ góp phần giảm áp lực tỷ giá vào cuối năm này".
Trong cuộc họp mới đây nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất ổn định nhưng củng cố lập trường rằng sẽ giữ mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Song, các chuyên gia cho rằng mức độ tăng của tỷ giá sẽ không còn mạnh như cuối năm ngoái bởi hiện nay FED đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất.
Tổng hợp nhiều nguồn